Dân Việt

Nhập hội bom mìn

11/05/2010 08:54 GMT+7
(Dân Việt) - Nhằm hạn chế những tai nạn thảm khốc do bom mìn gây ra, Dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh đã được triển khai ở đất lửa Quảng Trị.
img
Phóng viên Gia Tưởng (trái) bên quả bom tấn chưa xử lý.

Thành viên tích cực tham gia dự án này là đội quân cảm tử chuyên đi rà phá, tiêu huỷ bom mìn...

Đội quân cảm tử

Tờ mờ sáng tôi đã có mặt ở văn phòng điều phối Dự án Renew - dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh đóng tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị).

Nghe hết câu chuyện mà tôi trình bày, anh Đinh Ngọc Vũ - Quản lý chương trình nói: “Dự án đã hoạt động 9 năm rồi và được UBND tỉnh cực kỳ quan tâm, khuyến khích. Với số điện thoại nóng miễn phí (số 05.33554111), mỗi khi người dân phát hiện ra bom mìn, gọi điện, chúng tôi sẽ cử đội cơ động đến, đưa ra hướng xử lý trong vòng 24 giờ đồng hồ. Phóng viên quốc tế rất quan tâm đến dự án này, nhưng báo chí trong nước có lẽ anh là người đầu tiên muốn hiểu về công việc của những người sống chung với bom mìn như chúng tôi”.

May cho tôi khi đích thân Đội trưởng đội cơ động Nguyễn Ngọc Khiết (đang làm ở Cam Lộ) thông tin, hôm nay đội đang chuẩn bị xử lý quả lựu đạn M26 do người dân thôn Phi Thừa, xã Cam An trong lúc đào đất xây mộ phát hiện.

Sự đón tiếp một cách nhiệt tình và chuyên nghiệp của các thành viên trong đội cơ động làm tôi khá yên tâm. Tuy nhiên, sự vững dạ ấy chẳng “sống” được lâu khi anh Hoà, nhân viên y tế của đội hỏi: “Xin lỗi nhà báo mang nhóm máu nào? Hỏi để khi có sự cố chúng tôi tiện cấp cứu!”. Chưa kịp định thần anh Hoà vội giải thích, đây là thông tin bắt buộc đối với mỗi thành viên trong tổ cơ động trước khi làm việc.

Thấy tôi hoang mang, anh Khiết trấn an: “Lúc mình ghi tên tham gia chương trình, cả nhà mất ngủ, nội ngoại ra sức can ngăn. Nhà mình tuy đông anh em nhưng còn mỗi mình vì đã hy sinh hết trong chiến tranh. Vợ mình lúc ấy khóc như ri, sưng mắt suốt cả tháng trời. Nhưng mình nghĩ sống chết đều có số nên mình vẫn tình nguyện tham gia.

Do được huấn luyện nghiêm túc, bài bản từ những chuyên gia hàng đầu thế giới nên tuy đã hơn 3 năm đối mặt với những quả đạn chết mà chưa… gặp nạn lần nào, vì vậy người nhà cũng đã yên tâm hơn”.

Đối mặt với tử thần

Mặc dù không biết chính xác nhóm máu của tôi là gì nhưng sau một hồi năn nỉ anh Hoà cũng đồng ý để tôi vào hiện trường. Tuy nhiên, anh vẫn dặn: “Cẩn thận đấy, anh là nhà báo nên ưu tiên chứ ở đây chúng tôi đều phải tuân thủ theo nguyên tắc vì đó là tính mạng của anh em!”.

Trước khi vào việc, anh Khiết chỉ đạo: “Đề nghị mọi người bật bộ đàm kiểm tra lần cuối. Đây là 1 quả lựu đạn M26 của Mỹ, đã bị ăn mòn chốt an toàn, có bán kính sát thương 300m”.

img Trước kia chưa có đội cơ động thì dân toàn tự tháo gỡ, đã mấy lần bị tai nạn rồi! img

Ông Trần Văn Cự

Giao nhiệm vụ cho mọi người xong, anh Khiết ra hiệu cho tôi đi theo anh vào hiện trường. Chiếc hòm cát chuyên dụng đã được chuẩn bị sẵn làm vật lót ổ cho quả đạn cũng được chuẩn bị xong xuôi. Hướng dẫn tôi vào vị trí ẩn nấp, anh Khiết dùng tay vớt quả lựu đạn đã không còn chốt an toàn, nhẹ nhàng đặt vào chiếc hòm cát để đưa về bãi huỷ tập trung.

Tín hiệu an toàn được thông báo, những người dân bị tạm ngừng làm việc do phát hiện quả đạn lại tiếp tục công việc xây mộ cho người thân. Ông Trần Văn Cự, 54 tuổi, một người dân địa phương, cho biết: “Khu vực này trước kia là vùng gò đồi do lính Mỹ đóng đồn nên nhiều đạn, mìn vương vãi khắp nơi. Trước kia chưa có đội cơ động thì dân toàn tự tháo gỡ, đã mấy lần bị tai nạn rồi!”.

Việc cầm quả đạn han rỉ, mà không biết nó nổ lúc nào của anh Khiết khiến ai lần đầu nhìn thấy cũng phải hãi hùng. Tuy nhiên, anh Khiết lại bảo, việc ấy chưa nhằm nhò gì, “nếu nhà báo không sợ thì mời đi huỷ đạn với chúng tôi một chuyến để nếm cái mùi vị của chiến tranh”.

Nổi máu nghề nghiệp, tôi lại lên đường. Theo nguồn tin qua đường dây nóng, người dân phát hiện trong khu rừng thông của Lâm trường Tân Hiệp, huyện Cam Lộ, có quả đạn pháo 57HF.

Cũng như những lần trước, trước giờ tiến hành nổ đạn, anh Khiết tập hợp cả đội giao nhiệm vụ tỉ mỉ cho từng người. Tiếng loa thông báo được bật lên, tiếng còi hú cấp cứu inh ỏi. Anh Lập, người được phân công chế thuốc kích nổ lặng lẽ vào phần việc của mình. Cầm thỏi thuốc nổ ra góc khuất của cánh rừng, anh đặt lưỡi cưa sắc lẹm để tách đôi thỏi thuốc nổ.

Lần lượt 6 vị trí cảnh giới báo lại đã an toàn, anh Khiết lặng lẽ tiến vào chỗ quả đạn 57HF to như cái bắp chuối. Anh bê quả đạn tới vị trí đã được chuẩn bị sẵn là 1 hố sâu 50cm. Cầm thanh thuốc nổ đã được tách làm đôi từ anh Lập, anh Khiết thuần thục ốp vào quả đạn rồi dùng băng dính đen cố định lại. Kiểm tra lại những bao tải cát xếp quanh hố rồi anh ra lệnh bằng bộ đàm: “5 phút nữa sẽ nổ, đề nghị các vị trí tiếp tục cảnh giới và báo động!”.

Một lần nữa các chốt gác lại báo cáo an toàn, lệnh điểm hoả được ban ra. Một tiếng nổ lớn khô khốc vang lên, nhìn từ xa chúng tôi chỉ thấy những bao cát bay lên cao bằng ngọn thông rồi vỡ vụn, trắng xoá.

(Còn nữa)