Củ sâm Ngọc Linh 10 năm tuổi có giá trên 3 triệu đồng. |
Xã Trà Linh có 3/4 thôn đồng bào DTTS, chủ yếu là người Xê Đăng sống bằng nghề trồng sâm.
Nhà nhà trồng sâm
Làng Măng Lùng thuộc thôn 2, xã Trà Linh là nơi có nhiều hộ trồng sâm nhất. Cách trung tâm huyện chỉ 40km nhưng muốn lên tới làng phải mất một ngày đường vì làng nằm chót vót trên sườn núi Ngọc Linh.
Chúng tôi đến làng Măng Lùng vào một buổi chiều đầu tháng 5. Tay chân chúng tôi rụng rời vì liên tục bò dốc dựng đứng. Làng có 25 hộ gia đình với hơn 150 khẩu. Gia đình nào cũng có 1 - 2 vườn sâm. Mùa này, ban ngày cả làng vắng vẻ vì lũ trẻ đến trường, người lớn thì vào vườn thu hoạch hạt sâm chín đỏ. Việc đi nương, đi rẫy chỉ là phụ vào những ngày sâm trụi lá, ngủ đông.
Ở Măng Lùng, nhà trồng ít nhất cũng có trên 1 nghìn gốc. Sâm được người dân trồng nhiều nhất dưới tán lá ở khu rừng già cách sau làng khoảng 1 giờ đồng hồ đi bộ.
Thu tiền tỷ
Hiện tại, củ sâm Ngọc Linh 10 năm tuổi thu mua tại vườn giá từ 2,5 - 3 triệu đồng 1 lạng. Sâm trồng lâu năm, 1 củ từ 1 lạng trở lên giá hơn 3,5 triệu đồng. Người trồng nhiều sâm Ngọc Linh nhất ở Măng Lùng là chàng trai Xê Đăng 35 tuổi Nguyễn Văn Lượng.
Hiện anh Lượng có hơn 20 nghìn cây sâm trên 10 tuổi và gần 5 nghìn cây sâm giống. Với chừng đó cây sâm, anh Lượng nắm trong tay trên... 50 tỷ đồng và được mệnh danh là “vua” sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My.
Anh Nguyễn Văn Lượng đang chăm sóc vườn sâm non. |
“Đa số người dân trồng sâm ở Trà Linh đều nhân giống từ hạt, nhưng tôi tìm thêm cách nhân giống nữa là cắt mầm chồi trên củ sâm sau khi thu hoạch để trồng. Nhờ vậy tỷ lệ sâm sống rất cao và thời gian nảy củ cũng nhanh hơn” - “vua” sâm Ngọc Linh bày tỏ.
Sâm Ngọc Linh đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người Xê Đăng ở Măng Lùng. Bình quân mỗi năm, hộ gia đình thu từ 100 triệu đến gần 1 tỷ đồng. Nhờ trồng sâm, nhà nào cũng có ti vi, đầu đĩa... Một số hộ còn mua gạch men dưới xuôi lên lót nền nhà để nằm cho “khỏe” cái lưng sau mỗi ngày vất vả chăm sóc vườn sâm.
“Hàng ngày các thương buôn đều vận chuyển cá tươi, thịt, rau lên bán ngay tại làng. Hầu như dưới đồng bằng có gì thì ở đây có cái đấy. Bọn trẻ trong làng đều được đi học hết. No cái bụng rồi chừ phải học cái chữ nữa. Một số người ở làng còn mua điện thoại di động để liên lạc trong việc bán sâm”- ông Hồ Văn Reo ở làng Măng Lùng cho biết.
Măng Lùng không có hộ nghèo đói. Các gia đình luôn chia sẻ kinh nghiệm trồng sâm để cùng nhau xây dựng cuộc sống sung túc.
“Sâm Ngọc Linh không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa mà là cây làm giàu của dân làng người Xê Đăng ở Trà Linh chúng tôi. Mỗi lần xuống huyện, bà con chỉ cần vào vườn nhổ vài gốc sâm đem bán là có thế sắm hơn 1 cõng hàng hóa đem về dùng cả tháng” - ông Hồ Văn Lợi – Chủ tịch UBMTTQVN xã Trà Linh, khẳng định.
Ánh Trà