Dân Việt

Băn khoăn số phận nông dân

12/05/2010 08:00 GMT+7
(Dân Việt) – Ngày 11-5, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rất nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân xung quanh đồ án “Quy hoạch thủ đô đến 2020”.
img
Đời sống và việc làm của nông dân Hà Nội vào năm 2020 chưa được đồ án làm rõ (Ảnh chụp tại quận Hà Đông).

Nếu không tính đến các yếu tố cũ - mới đan xen, những thuận lợi khó khăn thì quy hoạch sẽ bị phá vỡ... Đó là ý kiến của nhiều đại biểu về Đồ án “Quy hoạch Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2050” tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11-5.

Vẽ đẹp liệu làm có đẹp?

Ngay khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày xong bản tóm tắt về đồ án “Quy hoạch chung Hà Nội”, ông Lê Quang Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh băn khoăn: Tôi thấy đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội rất đẹp nhưng liệu thiết kế này có được giữ đúng như vậy không khi thực hiện?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: Phim tư liệu về quy hoạch Thủ đô rất đẹp, rất ấn tượng nhưng có thể thấy rằng quy hoạch này hoàn toàn được vẽ trên đất trống, không có công trình, không có dân sinh. Chúng ta đang có một Thủ đô với các công trình, kiến trúc đô thị và hàng triệu người dân sinh sống. Việc tổ chức quản lý quy hoạch nếu không tính đến các yếu tố cũ, mới đan xen, không tính đến những thuận lợi khó khăn thì quy hoạch sẽ bị phá vỡ.

Nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình hoàn thiện đồ án cần làm rõ sự phù hợp giữa quy hoạch với các quy định của pháp luật về vị trí, tính chất, chức năng của Thủ đô Hà Nội; cần thể hiện mối quan hệ hợp lý giữa quy hoạch Thủ đô với các quy hoạch đang có hiệu lực thi hành theo hướng kế thừa và phát triển, giảm thiểu xung đột với các dự án đang được thi công xây dựng; kế thừa thành tựu phát triển kinh tế xã hội và tiếp tục giải quyết các bất hợp lý để phát triển Thủ đô sau khi được mở rộng.

Gánh nặng tài chính

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồ án nêu dự kiến tổng vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 - 2050 khoảng 90 tỷ USD, khung hạ tầng chiếm từ 40-50% tổng vốn. Như vậy đến năm 2030 có từ 20-30 tỷ USD đầu tư cho hạng mục này.

Đại biểu Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội của nêu rõ: Cần tính tới một đặc điểm của đầu tư xây dựng là chi phí thực tế sẽ gia tăng rất lớn so với dự toán. Trong đầu tư xây mới về hạ tầng thời gian gần đây ở Hà Nội thì có tới 80% chi phí dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng. Do vậy cần làm rõ tính khả thi khi xây dựng hạ tầng khung của Hà Nội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn, 1 năm Hà Nội thu khoảng 7.200 tỷ đồng. Nếu cứ tính tốc độ tăng trưởng bình quân của Hà Nội từ 15-20%/năm, liệu nguồn thu của Hà Nội có đủ chi cho việc xây dựng Thủ đô theo quy hoạch hay không?

Hiện nay toàn bộ vốn xây dựng cơ bản là đi vay. Những năm gần đây bội chi ngân sách là dùng cho phát triển. Nếu chúng ta không ra được Luật Thủ đô, không có chính sách tài chính đặc thù cho Thủ đô thì sẽ không đủ lực để thực hiện đồ án này.

Nông dân Hà Nội làm gì?

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận "làm được như bản vẽ cũng là một vấn đề". Bởi, quy hoạch chung Thủ đô cách đây 13 năm cũng đã được phê duyệt, đến nay đã có gần 10 lần điều chỉnh. Và kết quả thế nào thì… mọi người đều đã nhìn thấy.

Vấn đề nông nghiệp và nông dân trong đồ án quy hoạch cũng được đặc biệt nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Trần Thế Vượng - Trưởng ban Dân nguyện băn khoăn về số phận, việc làm của người nông dân: Tôi muốn biết nông dân Hà Nội lúc đó sẽ như thế nào, họ là những nông dân công nghiệp hay vẫn duy trì lối sản xuất “con trâu đi trước cài cày đi sau”? Trong tương lai đến 2020 phải hình dung được nông nghiệp của Hà Nội có cạnh tranh được với nông nghiệp của Thái Bình hay Nam Định không? Điều này phải định hướng trong quy hoạch.

Nhiều đại biểu đồng quan điểm này và cho rằng: Về định hướng phát triển khu vực nông thôn, đồ án cần có đánh giá kỹ về hiện trạng, đặc điểm nông thôn Hà Nội để có định hướng phát triển, trong đó phải chú ý đến xây dựng mô hình nông thôn mới, định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trong lòng Thủ đô, phát triển quỹ đất ở cho khu vực nông thôn, định hướng giải quyết đất sản xuất, hình thành các khu sản xuất tập trung tại các làng nghề và giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn.