Các cầu thủ Mỹ Tho trên sân tập Bình Sport. |
Buông áo đấu về làm nông dân
Đại diện cho Tiền Giang tham dự giải lần này là đội Mỹ Tho. Xuống thăm đội giữa những vườn vú sữa, sầu riêng xum xuê, tôi đã thấy có gì đó bất thường. Những cầu thủ của đội hoặc quen quen, hoặc có cái gì đấy rất chuyên nghiệp.
Ông HLV thì tôi rất quen mặt, đấy là cầu thủ Cổ Hoàng Tuấn, một thời làm trụ cột cho hết Cảng Sài Gòn rồi lại Hải quan nay về làm chủ hai công đất trồng sầu riêng. Cổ Hoàng Tuấn cười hỉ hả: "Trai miệt vườn hết đá bóng lại về làm nông dân thôi".
Tuấn cho biết: Mấy anh cầu thủ chuyên nghiệp trên thành phố hay ngoài Bắc khi hết thời kỳ bóng đá đỉnh cao thường mở quán cà phê, quán bia bởi khi hết bóng đá đó là nghề duy nhất họ biết. Với các cầu thủ miền Tây thì khác bởi đặc trưng của vùng đồng bằng mầu mỡ, là vựa trái cây nên làm nông dân "cũng đủ sống lai rai".
Các thế hệ danh thủ trước đây của Tiền Giang gồm Phạm Huỳnh Tam Lang, Phạm Văn Rạng, Lạc Phước Hải, Lưu Kim Hoàng… cũng đều xuất thân từ các vùng nông thôn Tiền Giang.
Những cầu thủ chuyên nghiệp buông áo đấu về làm nông dân tham dự giải bóng đá nông dân toàn quốc kì này của Tiền Giang còn có Đinh Tường Oanh, Đinh Văn Chín, Phạm Vũ Quyết Sơn. Lực lượng này thật hùng mạnh nếu xét về tên tuổi.
"Kèm cặp bọn nhỏ là chính"
Thấy tôi tròn mắt khi nhìn đội hình này, Hoàng Tuấn bảo: "Có cái tiếng thôi chứ bọn tôi đá sao lại với bọn nhỏ bây giờ". Mấy cầu thủ này toàn trên 35 tuổi, Đinh Tường Oanh thì cũng đã 41 tuổi mà trong bóng đá thì "nhất lực nhì tài".
Ngoài việc phải xuất hiện trong đội bóng để tập trung, thu hút anh em luyện tập thể thao, họ còn có một nhiệm vụ khác là kèm cặp để bọn nhỏ: "Biết thưa gửi, ngoan ngoãn, uốn nắn ngay những hành vi tiêu cực".
Có lẽ cũng bởi các thế hệ cầu thủ già tâm huyết với bóng đá phong trào nên miền Tây nhiều năm qua không bao giờ thiếu tài năng và trong các vụ tai tiếng gần đây không hề có mặt của các cầu thủ gốc miền Tây.
Ông Vương Quốc Cường - Trung tâm TDTT Tiền Giang cho biết: Nhờ có sự kết hợp, trợ giúp của các cầu thủ buông áo về làm nông dân nên phong trào bóng đá của Tiền Giang phát triển rất mạnh. Riêng ngoại ô của TP. Mỹ Tho đã có tới 25 sân bóng đá quy chuẩn để thi đấu và hàng trăm đội bóng phong trào.
Ông Lê Thái Bình - Giám đốc Trung tâm Thể thao Bình Sport cho biết: Trung tâm tôi hiện đã có 7 sân bóng đá mini mở cửa từ 6 giờ đến 22 giờ nhưng vẫn không đủ đáp ứng đủ cho các cầu thủ phong trào thi đấu. Sang năm tôi sẽ mở thêm 5 sân bóng đá nữa nhưng có lẽ vẫn không đủ.
Nam Hải