Đội cơ động cảm tử trước giờ làm việc. |
Vào rừng tìm bom
Sau những ngày đi thu gom và huỷ đạn với đội cơ động của Dự án Renew, anh Khiết thật thà nói với tôi: “Bọn mình chỉ được phép huỷ những loại bom đạn 82mm mà ngày nào anh em cũng làm cật lực vẫn không thấm vào đâu. Hơn nữa có nhiều loại bom tấn, cả chuyên gia người Mỹ, Na Uy cũng chưa đưa ra được phương án xử lý”.
Sinh ra sau chiến tranh, chỉ được biết đến bom đạn qua hình ảnh và mấy cái vỏ rỗng dùng làm kẻng ở quê, tôi nằng nặc xin anh Khiết đưa đi xem loại bom tấn ấy xem nó như thế nào. Chiều ý tôi, sau khi xin ý kiến ban điều hành dự án, anh Khiết dẫn tôi đi. Anh bảo, với những loại bom mìn này, tuy chưa tiêu huỷ được nhưng các anh vẫn phải săn tìm để cảnh báo cho người dân.
Cuộc xâm nhập vào rừng Trường Sơn của chúng tôi bắt đầu từ thôn Tân Quang, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Men theo con suối cạn nước chưa đến 10 phút chúng tôi đã lọt thỏm vào một khu rừng với chằng chịt dây gai. Anh Triều là nhân viên trẻ nhất được phân công đi tiên phong, liên tục phải dùng dao phát dây giăng ngang để lấy lối cho cả đoàn trườn qua.
Sau một hồi luồn lách, cả đoàn đã thấm mệt. Tuy nhiên, vẫn chẳng thấy bóng dáng quả đạn nào. Anh Khiết bật máy bộ đàm gọi xác định lại vị trí, anh Lập đội phó trả lời: “Nhầm đường rồi, quay lại đi!” khiến chúng tôi ngán ngẩm. Không thể cắt rừng mà đi theo sự chỉ dẫn được, chúng tôi chỉ còn nước quay lại vị trí cửa rừng để tiếp tục ngược ngàn.
Giáp mặt tử thần
Lần này thì chúng tôi men theo những tấm biển có hình chiếc đầu lâu và hai cái xương chéo, được các chuyên gia đánh dấu để cảnh báo người dân. Và chúng tôi đã đi đúng hướng. Trước mắt tôi là một quả đạn đen sì, nằm chắn ngang khe nước cạn.
Trông quả đạn chẳng khác nào ác thú đang ẩn mình rình mồi. Những thông tin về quả đạn được anh em trong đội cập nhật: Đây là một quả đạn mà pháo từ tàu Hạm đội 7 của Mỹ đã câu vào khoảng năm 1972. Đường kính hiện tại là 40cm, dài 1,6m nhưng đây chỉ là phần hạt nổ, nếu nguyên bản của nó còn bao gồm phần cánh và thuốc phóng đẩy, dài gần 3m. Đầu nổ này chỗ vỏ dày nhất khoảng 20cm, bên trong đang chứa ít nhất 40kg thuốc nổ dạng nén được đóng thành bánh khác nhau.
Khác với các loại bom thông thường của Mỹ chỉ mang 1 hạt nổ ở phần đuôi, riêng quả đạn pháo này lại được cấu tạo 2 hạt nổ và được bố trí không cố định, lúc thì ở đầu và đuôi, lúc lại ở giữa.
Chỉ tay vào một vết cưa ngang thân quả đạn đã bị các gỉ sắt bịt kín lại, anh Khiết nói: “Dân cưa bom sừng sỏ chuyên nghiệp nhất của Quảng Trị cũng đã đánh hơi thấy và mò đến đây rồi, nhưng đang làm thấy khó nên họ bỏ đi. Nếu tiếp tục làm chắc chắn cả xóm Tân Quang sẽ bị thổi bay!”.
Theo anh Khiết, huỷ loại đạn này đối với nước ta là cả một bài toán hóc búa, vì không có phương tiện và kinh phí. Về mặt lý thuyết, nếu huỷ tại chỗ thì phải vận chuyển khoảng 2.000 bao tải cát tiêu chuẩn, quây xung quanh để hạn chế mảnh bắn ra.
Đồng thời, phải di dời toàn bộ người dân và nhà cửa ra khỏi bán kính 2km bởi loại này nếu phát nổ tầm sát thương khoảng 1km. Và, cuối cùng phải dùng loại chất nổ dẻo ốp vào thì mới phá được, tính sơ sơ kinh phí làm 1 vụ như thế cũng lên đến vài trăm triệu đồng.
Tốn kém nhưng theo anh Khiết, vẫn phải làm. Tuy nhiên, tới giờ, sở dĩ quả đạn vẫn tại vị dù đã có 2 đoàn chuyên gia nước ngoài tới đây khảo sát.
Theo các chuyên gia, trong khu vực này có tới 5 quả bom tấn loại này. Nếu huỷ một quả chẳng may nó kích nổ đồng loạt cả mấy quả còn lại thì chắc chắn cả cánh rừng và những xóm quanh đây sẽ biến thành bình địa. Và, một sự thật nữa, chưa ai có thể lường trước và tính toán được sức công phá của những quả đạn này.
“Chúng tôi chỉ còn biết cảnh báo người dân là không được lại gần hay có bất cứ việc làm nào dại dột để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nếu quả đạn này nổ mà không phải là do dùng kỹ thuật xử lý, thì chắc chắn sẽ gây ra thảm hoạ!” - anh Khiết nói.
Những ngày lang thang cùng những người đang đêm ngày đối diện với tử thần này, tôi chợt nhận ra rằng, trong buổi thanh bình này, vẫn có những người sau buổi đi làm về, áo quần luôn sực mùi thuốc súng. Họ là những người quả cảm và lúc nào cũng ăm ắp một tình yêu thương cuộc sống, yêu những thời khắc không có tiếng nổ của chiến tranh.
Nguyễn Gia Tưởng