Dân Việt

Trường chuẩn mà không... chuẩn

13/05/2010 09:03 GMT+7
(Dân Việt) - Phòng học xuống cấp, điều kiện học tập vô cùng tồi tệ và thiếu đủ thứ... nhưng nhiều ngôi trường ở Thừa Thiên- Huế vẫn được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
img
Những vết nứt lớn xé toạc tường phòng học của Trường Tiểu học Dương Nổ.

Vừa học vừa run

Trường Tiểu học Dương Nổ ở xã Phú Dương (huyện Phú Vang) được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 1999. Có đến trường này mới thấy cám cảnh cho chữ “chuẩn”: trường có 12 phòng học với tuổi đời nửa thế kỷ. Những phòng học này, tường nứt ngang, nứt dọc, trần bị xé toạc hàng trăm chỗ, trụ bê tông cũng bị nứt, xé từng mảng. Ngói lợp mái oải mục, nhiều viên bị vỡ tạo ra vô số khoảng trống nhìn thấu trời.

Ban giám hiệu nhà trường ngậm ngùi cho hay, bao nhiêu năm rồi cả thầy lẫn trò vừa dạy, học vừa run. Đang dạy, từng mảng vôi vữa trên trần nhà rụng xuống, bụi đùn lên lớp học. Sau mỗi cơn mưa hay trận gió mạnh là những vết nứt ở tường, trần xé ra càng lớn, nước trên mái tuôn xuống ồ ạt khiến thầy trò ướt sũng. Nhiều phòng lại kín, tối om, học sinh phải căng mắt ra mới thấy mà viết bài.

Trường Tiểu học Thuận An 1 ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) đạt chuẩn quốc gia năm 1996, tình trạng hiện nay còn tồi tệ hơn - thầy trò vừa dạy, học vừa lo trường... sập. Trường vẫn phải sử dụng hai dãy nhà với 11 phòng học được xây dựng bằng xi măng không cốt sắt từ trước năm 1975.

“Mỗi khi có mưa là nước tuôn vào phòng học, rồi những vết nứt trên tường theo đó xuất hiện càng dày đặc với kích thước ngày càng lớn khiến giáo viên, học sinh lo sợ”- ông Phạm Hữu Phước, Hiệu trưởng kể.

Ngoài ra, theo quan sát của NTNN, những phòng học này kín mít và tối đen, do hệ thống cửa sổ đã mục nát, chỉ cần mở ra là… vỡ vụn.

Tình trạng 2 ngôi trường nói trên cũng là của rất nhiều trường học “đạt chuẩn quốc gia” ở Thừa Thiên- Huế, do được xây dựng từ thời Pháp thuộc hoặc trước năm 1975 nhưng không được nâng cấp, sửa chữa.

Công nhận rồi… bỏ rơi

Theo Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có khoảng 700 phòng học thuộc diện “vừa dạy - học vừa run”, trong đó, phần lớn thuộc... các trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo ông Phạm Hữu Phước, Trường Tiểu học Thuận An 1 được công nhận đạt chuẩn có thể vì ưu ái trong thẩm định. Nếu “áp” theo đúng tiêu chí thì trường còn lâu mới “mơ” tới danh hiệu chuẩn, như không có đủ phòng học (chỉ có 14 phòng học trên 22 lớp), phòng bộ môn, phòng thực hành, công trình vệ sinh đều dưới chuẩn, giáo viên đứng lớp... thiếu.

“Năm nào tôi cũng kiến nghị xin được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tăng cường đội ngũ giáo viên để có đủ lực thực hiện các tiêu chí của trường chuẩn nhưng không ai quan tâm”- ông Phước bức xúc.

Ông Lê Trung Tuynh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Nổ, khổ sở không kém: “Nhiều lần tôi định đóng cửa những phòng học nguy hiểm, nhưng ngặt nỗi đóng cửa rồi thì học sinh không còn chỗ học”.

Năm 2009, sau cảnh báo của đoàn kiểm tra, tỉnh Thừa Thiên- Huế quyết định đầu tư 2,9 tỷ đồng để xây mới hai dãy phòng học xuống cấp của trường này. Tuy nhiên, số tiền trên sau đó được “rót” vào xây dựng một trường khác theo đề xuất của UBND huyện Phú Vang, vì cho rằng hai dãy phòng học này… không sụp ngay đâu mà sợ!

Trao đổi với NTNN, ông Trần Duy Hân - Trưởng Phòng Tài chính- kế hoạch Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế, lại đổ trách nhiệm về phía trường: Việc các trường học xuống cấp, đe dọa đến tính mạng thầy, trò, trách nhiệm trước hết thuộc về hiệu trưởng các trường. Khi trường xuống cấp, Hiệu trưởng phải đóng cửa những phòng học nguy hiểm và báo cáo lên huyện (đối với tiểu học và THCS) và lên sở (đối với THPT và TTGDTX) để được đầu tư xây dựng...

Tuy nhiên, khi chúng tôi lấy dẫn chứng những trường xuống cấp đã đề xuất nhiều lần nhưng vẫn không được đầu tư thì ông Hân cho biết do khó khăn về nguồn vốn, phải chờ tỉnh phân bổ(?)!