Biệt kích Mỹ bị bắt giữ khi xâm nhập vào miền Bắc Việt Nam. |
Người về từ bên kia chiến tuyến
Phạm Chuyên (tên thật là Phạm Chính) sinh năm 1922 tại Tiền An, Yên Hưng, Hồng Quảng (thuộc Quảng Ninh ngày nay) từng hoạt động trong Thanh niên Cứu quốc và một số tổ chức của ta.
Năm 1947 Chuyên bị Pháp bắt giam 3 tháng rồi về nhà dạy học và liên lạc lại với cách mạng. Từ năm 1948-1957, Chuyên kinh qua nhiều công tác khác nhau: Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Yên, Trưởng Công an quận Tràng Bạch, Hồng Quảng, phóng viên Báo Việt Nam độc lập.
Sau khi bố Chuyên tự tử trong cải cách ruộng đất, Chuyên bất mãn trở về địa phương và tháng 6-1959 trốn vào Nam theo địch. Thấy Chuyên có trình độ lại hằn thù sâu sắc chế độ, cơ quan tình báo địch đã sử dụng Chuyên cho kế hoạch lập ấp chiến lược cũng như củng cố lòng tin cho nhân viên ngụy vào chế độ Diệm.
Sau đó Chuyên được tình báo Mỹ chọn để huấn luyện nghiệp vụ tình báo và bố trí cho xâm nhập trở lại miền Bắc.
Do tầm quan trọng đặc biệt của kế hoạch nên cơ quan tình báo Mỹ đã cử 2 cố vấn và nhân viên phòng 45 Phủ Đặc uỷ tình báo ngụy trực tiếp chỉ huy. Chúng đặt bí danh cho Phạm Chuyên là "Hạ Long", tên liên lạc là "ARES", "ARTERY" (nghĩa là động mạch, kênh cung cấp cực kì quan trọng).
Tháng 2-1961, từ căn cứ tại Đà Nẵng, Chuyên được đưa xâm nhập trở lại miền Bắc. Từ việc đồng bào phát hiện ra chiếc thuyền nan kiểu của ngư dân khu V trôi dạt vào cống Đầm, xã Tiền An và bộ phận phản gián thu được sóng lạ tại khu vực này, lãnh đạo Bộ Công an đã tăng cường bủa vây và bắt sống Chuyên.
Thực hiện lệnh của Bộ Công an, đồng chí Nguyễn Tài - Cục trưởng Cục K61 đã trực tiếp về Hồng Quảng chỉ đạo quá trình xét hỏi, thuyết phục Chuyên tự nguyện cộng tác để chuộc tội.
Căn cứ điều kiện thực tế và yêu cầu đấu tranh, Bộ Công an quyết định lập chuyên án, đặt bí số là BK63, sử dụng Chuyên để bí mật đấu tranh với trung tâm địch. Tổ chức câu nhử đón bắt những nhóm gián điệp khác.
Ngày 8-8-1961, tại Dốc Đổ, Vàng Danh, Uông Bí, dưới sự giám sát của các chuyên viên điện đài và lãnh đạo Ban chuyên án, phiên liên lạc đầu tiên của ARES với đài P8M Sài Gòn được thực hiện, mở ra một chiến dịch đấu trí 10 năm sau đó, buộc địch phải bộc lộ âm mưu, ý đồ và phương thức hoạt động.
Chúng ta đã dụ địch tiếp tế cho ARES 6 lần bằng cả đường biển và đường không, thu được nhiều phương tiện hoạt động gián điệp, vũ khí, thuốc men và tiền, vàng, buộc địch bộc lộ các đầu mối gián điệp cài lại ở Hải Phòng, Quảng Ninh, làm lộ mặt điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc là thuyền viên của nước thứ ba cập cảng Hải Phòng.
Trung tâm địch đã tung nhiều toán biệt kích ra Quảng Ninh, Bắc Giang (toán biệt kích 6 tên tại xã Tuấn Đạo), Hà Giang nhằm phối hợp hoạt động với ARES nhưng đã bị ta bắt gọn. Đặc biệt ta đã ngăn chặn được việc máy bay Mỹ oanh tạc các vị trí quan trọng trên khắp dải Đông Bắc đất nước.
Oai hùng châu chấu đá xe
Năm 1970, địch có ý định rút "Hạ Long" về nhằm củng cố lực lượng, đào tạo lại "đứa con xa mẹ" để chuẩn bị cho những âm mưu mới. Lãnh đạo Bộ Công an tổng kết chuyên án và quyết định kết thúc chuyên án.
Theo những báo cáo và liên lạc mà CIA có được thì Phạm Chuyên di chuyển vượt giới tuyến vào Nam bằng đường bộ. Tuy nhiên khi đến địa bàn Vĩnh Linh, Quảng Trị thì bị mất liên lạc.
Tình hình được CIA nhận định: “Hạ Long gặp sự cố trên vành đai lửa, vùng nhiều bom đạn nhất trên đường bộ. Hoặc Cộng sản Bắc Việt đã phát hiện và thủ tiêu "Hạ Long". Trường họp xấu nhất là "Hạ Long" hoạt động cho Bắc Việt, như vậy cũng sẽ bị thủ tiêu sau khi điệp vụ kết thúc theo nguyên tắc "vắt chanh bỏ vỏ"...
Tất cả các nhận định của địch đều nhầm. Với những gì đóng góp (dù tự nguyện hay không), Phạm Chuyên xứng đáng được hưởng khoan hồng. Sự thực là Công an Quảng Ninh đã tìm một điểm đáp ứng nhu cầu an ninh đưa Chuyên và gia đình đến đó sinh sống như những công dân bình thường.
Với các trang thiết bị của chúng ta lúc ấy, đối đầu được với bộ máy tinh vi của CIA ngần ấy năm là một điều thần kì. Thắng lợi của chuyên án BK 63 là một mốc son tiêu biểu trong muôn vàn chiến công thầm lặng của lực lượng CAND.
Tuấn Lệ