Suất ăn giữa ca trong ngày lễ của một công ty may ở Hưng Yên. |
Bữa ăn bị cắt xén
Ngày 12-5, hơn 300 công nhân Công ty TNHH SPG (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bến Cát, Bình Dương) bị ngộ độc thức ăn sau khi ăn bữa tối tại công ty (NTNN số 95). Kiểm tra bước đầu cho thấy, bữa ăn của công nhân công ty này quá đạm bạc, chế biến không an toàn.
Nhận xét về bữa ăn công nhân ở đây, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương, nói: "Khẩu phần ăn cho công nhân đang ở mức báo động, rất nghèo nàn. Nhiều công ty có suất ăn 8.000 đồng nhưng khi nhà bếp chi tiền nhân công, tiền hoa hồng... thì suất ăn chỉ còn dưới 5.000 đồng. Với số tiền này, không thể lấy đâu ra thực phẩm tươi ngon, đủ dinh dưỡng”.
Theo khảo sát của NTNN tại nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc, suất ăn cũng không khá hơn.
Chị Nguyễn Thị Phượng - công nhân Công ty may Kove (Khu công nghiệp Đình Đồng, huyện Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: "Em làm năm thứ 3 mà lương mới được 1.238.000 đồng/tháng. Tiền ăn trưa mỗi người được 6.000 đồng”.
Công nhân ở khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài, dù lương và suất ăn “nhỉnh” hơn chút ít nhưng cũng không thể đảm bảo chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Thuỷ ở xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) làm công nhân tại Công ty P (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Công ty có hỗ trợ ăn trưa 12.000 đồng/suất nhưng bữa ăn cũng rất đạm bạc”.
Tương tự, chị Trần Thị Nguyệt, quê ở xã Động Lâm, Hạ Hoà (Phú Thọ), công nhân Công ty T (Khu công nghiệp Thăng Long) cũng than phiền: "Em đã làm ở đây được 6 năm rồi nhưng thu nhập mới chỉ được 1,6 triệu đồng/tháng. Tiền ăn trưa mặc dù được 13.000 đồng/suất nhưng bị "rơi vãi" mỗi nơi một ít nên đến công nhân chẳng biết còn được bao nhiêu”.
Hầu hết công nhân - khi được hỏi lương tăng chất lượng suất ăn có tăng theo không, thì đều trả lời mức ăn vẫn như cũ.
Đừng để công nhân gầy ốm, suy dinh dưỡng
Theo ông Đặng Quang Điều - Phó ban Chính sách (Tổng Liên đoàn Lao động VN), hiện nay mới chỉ có quy định mức phụ cấp ăn giữa ca của các đơn vị doanh nghiệp nhà nước không được vượt quá 550.000 đồng/tháng. Với mức trượt giá như hiện nay, đối với một số công việc nặng nhọc, độc hại thì trung bình 20.000 đồng/bữa ăn là chưa thể đáp ứng đủ lượng calo cho người lao động, nói gì tới 6.000-10.000 đồng/bữa.
Mức 550.000 đồng mà ông Điều đề cập là quy định trong doanh nghiệp nhà nước, còn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác hiện chưa có một chế tài nào quy định giá trần cho một bữa ăn của công nhân. Thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp chưa thấy trách nhiệm chăm sóc bữa ăn cho người lao động đã dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm ở bữa ăn tập thể, trích tiền hoa hồng bữa ăn của công nhân...
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng VN, nếu bữa ăn công nhân không được cải thiện có thể dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết, gầy ốm, suy dinh dưỡng, thiếu máu...
Bà Lê Nguyễn Bảo Khanh - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng) cho rằng, Nghị định 45 quy định mức phạt 450.000 đồng đối với hành vi vi phạm không giám sát bếp ăn, để xảy ra ngộ độc bữa ăn tập thể là quá nhẹ.
Thanh Xuân - Hồng Phúc