Ông Minh cho biết: Các học viên Trung tâm số 2 bỏ trốn khỏi trung tâm bắt đầu từ việc 2 học viên xích mích cá nhân với nhau. Mặt khác, lâu ngày nhiều học viên không được ra ngoài, nhân cơ hội cổ động viên bóng đá Hải Phòng ăn mừng đội nhà thắng đội M. Nam Định, nhiều học viên bỏ trung tâm đi theo cổ vũ bóng đá...
Các học viên này có gây ra những điều đáng ngại nào chưa, thưa ông?
- Tôi trực tiếp có mặt tại Hải Phòng nên có thể khẳng định không có chuyện các học viên hò hét, đập phá... như có người nói. Cho tới hiện nay (chiều tối 17-5), đã có 140 người tự quay trở lại trung tâm.
Qua sự việc này cùng nhiều vụ học viên cai nghiện bỏ trốn gần đây, chúng ta cần có hướng khắc phục và quản lý như thế nào?
Trước mắt là mở rộng cửa Trung tâm số 2, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các học viên trở lại, đồng thời động viên cán bộ tích cực, vui vẻ tiếp nhận, chăm sóc đối tượng... Với các trung tâm nói chung, cần chú ý chăm sóc học viên tốt hơn, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ, tạo không khí hứng khởi cho học viên, khiến họ thấy thoải mái như ở nhà...
Lỗi của các học viên và cán bộ trong vụ việc nói trên sẽ được xử lý thế nào?
- Những người cầm đầu, cố tình kích động, làm mất an ninh trật tự sẽ tùy từng mức độ sai phạm để xử lý. Cán bộ nếu không làm tròn trách nhiệm cũng sẽ bị xử lý theo quy định.
Thực tế, cần phải chia sẻ với những người đang làm việc ở các trung tâm. Phần lớn học viên ở trung tâm có trình độ văn hóa thấp, 60% có tiền án tiền sự; 30% mắc bệnh lao và viêm gan B, 40% có HIV.... Không phải ai cũng đủ can đảm tiếp xúc để giúp đỡ các học viên đặc biệt ấy.
Việc siết chặt quản lý lĩnh vực này, theo tôi là siết chặt hơn bằng yếu tố tinh thần. Nhà nước đầu tư vào trung tâm là vì con người, mong muốn họ cai nghiện, giúp họ có kiến thức, học nghề, có việc làm ổn định và tái hoà nhập cộng đồng.
Thanh Xuân (thực hiện)