Bà Linda Woo (trái) và bà Hai Liên làm việc với tập đoàn Chinfon. |
Theo đó, việc đình chỉ điều tra đối với nữ doanh nhân này là vì xét thấy không cần thiết phải truy tố bị can đối với bà về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Làm ơn mắc oán
Mặc dù được tự do và không còn dính dáng đến vụ án nhưng khi cầm quyết định đình chỉ điều tra, bà Linda Tan Woo khóc nức nở: “Cả đời tôi sống bằng danh dự, nay danh dự của tôi đã không còn”.
Trong biên bản giao nhận quyết định đình chỉ điều tra với cơ quan An ninh điều tra, bà Linda ghi rõ: “Tôi không đồng ý với kết luận của cơ quan điều tra. Tôi bị oan ức, tôi không chiếm đoạt ngôi nhà 102 Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM trị giá 2 triệu USD. Ngôi nhà này tôi đã mua 26 tỷ đồng, có hợp đồng công chứng, có giấy thanh lý hợp đồng”. Bà Linda cũng không đồng ý với kết luận quy kết bà phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trở lại nội dung vụ án, năm 2002 thông qua mối quan hệ từ trước, bà Linda Tan Woo giới thiệu ông Sioeng Ted (quốc tịch Indonesia) với bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Ông này sau đó nhiều lần chuyển cho bà Lan tổng số tiền 6 triệu USD, đầu tư vào dự án khu thương mại An Đông 2 và khu chung cư 127 Pasteur tại TP.HCM. Khi các bên không có ý định hợp tác nữa, bà Lan đã viết giấy nhận nợ của ông Ted số tiền 6 triệu USD và trả lãi chậm theo lãi suất ngân hàng.
Trong quá trình giao dịch làm ăn, bà Lan nhiều lần mượn tiền của bà Linda (có làm giấy vay mượn), lúc vài trăm khi vài chục ngàn USD và lần nợ sau cùng là 13 tỷ đồng. Do bà Lan không trả tiền nên bà Linda Tan Woo làm đơn khởi kiện ra tòa để đòi nợ.
Phần mình, ông Ted cũng làm đơn kiện, đòi bà Lan phải trả 6 triệu USD. Sau đó, bà Lan làm đơn phản tố gửi đến cơ quan chức năng, cho rằng bà Linda chiếm đoạt ngôi nhà 102 Cống Quỳnh có trị giá 2 triệu USD, là một phần tiền nợ của bà Lan trả cho ông Ted.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam bà Linda Tan Woo về hành vi “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”! Vụ án được Tòa án nhân dân TP.HCM 2 lần đưa ra xét xử và đều trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, vì chứng cứ kết tội bà Linda Tan Woo chưa thuyết phục.
Những đóng góp thầm lặng
Bà Linda Tan Woo đã có đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng và trình các chứng cứ chứng minh mình không phạm tội, nhưng không được cơ quan điều tra xem xét một cách thấu đáo.
Sau khi bà bị bắt giam, Công ty TNHH Vĩnh Tường lâm vào tình trạng khốn khó về tài chính. Uy tín của bà trên thương trường cũng như với ngân hàng sụt giảm. Công ty đứng bên bờ vực phá sản. Các dãy nhà liền kề được bán dần để trả lương nhân viên. “Thiệt hại tính bằng tiền có thể chứng minh được tới nay đã lên đến 116 tỷ đồng. Còn những thiệt hại khác thì vô kể” – bà Linda nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên (tức Hai Liên) – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, biết rất rõ những đóng góp của bà Linda cho sự phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Bà Linda đã kéo các tập đoàn lớn của Đài Loan đầu tư vào Việt Nam, giúp đỡ về vốn cho 6 doanh nghiệp Nhà nước của 6 tỉnh miền Đông Nam bộ.
“Bà Linda Tan Woo là người có công lớn trong thời kỳ đầu đổi mới với nhiều khó khăn. Bà cũng là người góp công rất lớn trong việc hình thành khu chế xuất Biên Hòa – Đồng Nai, là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam” - bà Hai Liên khẳng định.
Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân: Hình sự hóa một quan hệ dân sự
“Có rất nhiều chứng cứ chứng minh bà Linda vô tội nhưng rất tiếc đã không được xem xét ngay từ đầu. Cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ vụ án là đúng pháp luật. Tuy nhiên, qua đó cũng thể hiện những việc làm thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật của cơ quan điều tra. Ngay từ đầu, đây là một vụ tranh chấp kinh tế dân sự và đang được TAND TP.HCM thụ lý. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án dân sự xét xử nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cho cơ quan điều tra. Nhưng ở đây cơ quan điều tra làm ngược lại, là yêu cầu tòa án tạm đình chỉ việc xét xử vụ án kinh tế dân sự để cơ quan này tiến hành điều tra.
Nhóm phóng viên điều tra