Dân Việt

Thảo luận dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường

01/06/2010 14:26 GMT+7
(Dân Việt) - Trong phiên thảo luận chiều qua 31-5, dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường, thuế đánh vào xăng dầu vẫn là mối quan tâm lớn nhất đối với các đại biểu quốc hội.
img
Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ chiều qua 31-5.

Chủ trương đánh thuế môi trường với xăng là giúp người dân tiết kiệm khi sử dụng và bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã giải thích như vậy khi nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại giá xăng sẽ tăng cao.

Lo giá xăng tăng

Cũng như nhiều hội thảo góp ý về dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường, thuế đánh vào xăng dầu vẫn là mối quan tâm lớn nhất đối với các đại biểu quốc hội trong phiên thảo luận chiều qua (31-5). Theo các Đại biểu đây là sản phẩm được nhiều người sử dụng và có tác động đến hầu hết các sản phẩm khác nên phải rất thận trọng trong việc đánh thuế.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng xăng dầu đã phải đóng phí 1.000 đồng/lít xăng. Tổng cộng một năm khoảng 9.000 tỷ đồng. Nếu không thu phí này nữa mà thu thuế môi trường đối với xăng theo hướng tăng lên sẽ có tác động toàn xã hội. Hơn nữa, việc thu phí trong nhiều năm qua đã không giúp người tiêu dùng giảm dần dùng xăng. Luật này với mục đích chính là dùng biện pháp tài chính để cải thiện môi trường hay mục đích chính là tăng thu cho ngân sách nhà nước?

“Theo kinh nghiệm, nếu Luật này được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình thì mục đích là vì môi trường; nếu Bộ Tài chính trình thì chủ yếu là thu thuế" - ông Lịch nói. Nhiều Đại biểu cho rằng, chưa nên đánh nặng thuế môi trường đối với xăng dầu khi chưa có sản phẩm thay thế.

Có mặt tại tổ của đoàn Nam Định, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh giải thích, khi sắc thuế có hiệu lực, mức thuế đánh với xăng vẫn ở mức tối thiểu là 1.000 đồng/lít nên sẽ không làm tăng giá xăng so với hiện nay. Ông Ninh cho biết, chủ trương đánh thuế với xăng là làm người dân tiết kiệm hơn khi sử dụng xăng, giảm được ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, nhiều đại biểu còn cho rằng, trong khi xăng bị đánh thuế 1.000 - 4.000/lít thì dầu, phát sinh ra nhiều khí thải hơn lại chỉ chịu mức thuế từ 500 - 2.000 đồng/lít là không phù hợp.

Cân nhắc với thuốc bảo vệ thực vật

Trong dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường trình Quốc hội 5 nhóm đối tượng phải chịu thuế là: Mỡ dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài việc "thống nhất cao" trong việc đánh thuế vào túi nhựa xốp ở diện cao nhất (20-30 nghìn đồng/kg), nhiều Đại biểu cho rằng, các nhóm sản phẩm trong diện chịu thuế vẫn chưa đầy đủ, bao quát.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, đối tượng chịu thuế trong dự thảo là quá ít ỏi. "Hạt nix, nước tẩy rửa, thuốc nhuộm… rất ô nhiễm mà chưa có trong quy định này. Các sản phẩm gây suy thoái cạn kiệt môi trường như rong biển, san hô cũng không thấy đưa vào. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT bổ sung rà soát thêm".

Sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật là một trong những sản phẩm đang bị “nâng lên đặt xuống”. Bộ trưởng Tài chính cho rằng: Sắc thuế chỉ đánh vào các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng.

Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp chiếm khoảng 12% tổng chi phí đầu vào và loại hạn chế sử dụng chỉ chiếm khoảng 15% tổng chi phí. Do đó, tác động của thuế bảo vệ môi trường trong trường hợp này chỉ trong phạm vi 1,8% chi phí đầu vào, mức độ ảnh hưởng rất nhỏ, hầu như không đáng kể.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đời sống nông dân còn thấp như hiện nay, nhiều Đại biểu cũng đã đề nghị cân nhắc khi đưa sản phẩm này vào diện chịu thuế. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng: Chúng ta có 70% số dân làm nông nghiệp, nếu việc đánh thuế làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp lên chưa đến 2% cũng cần cân đối lại để xem hiệu quả sản xuất nông nghiệp của nông dân sau khi hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay, mục tiêu lợi nhuận sản xuất lúa gạo của nông dân được 30% nếu áp thuế thì lợi nhuận này sẽ giảm.

Thu thuế môi trường không phải vì tiền, mà dùng công cụ thuế để hạn chế các hành vi từ sản xuất đến tiêu thụ gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích các công nghệ xanh, khuyến khích các giải pháp bảo vệ môi trường. Đánh thuế mà vẫn để gây ô nhiễm môi trường thì không phải mục đích của thuế môi trường. Không phải đánh thuế lấy tiền tăng ngân sách mà lấy một phần tiền đòi lại các doanh nghiệp đang "ăn" vào môi trường. Ai gây ô nhiễm phải bỏ tiền ra xử lý ô nhiễm môi trường.