Một doạn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. |
Ông Dũng thừa nhận suất đầu tư cho tuyến đường này ở mức cao. Tuy nhiên, nguyên nhân chính do tuyến đường hoàn toàn đi trên đầm lầy.
Trong quá trình thi công, các đơn vị nhiều lần phải thay đổi thiết kế dự án vì gặp những túi bùn sâu tới 30-40m. Thiết kế ban đầu nhiều đoạn đi trên mặt đất hoàn toàn nhưng rốt cuộc phải làm cầu cạn với chiều dài 15-20km nên đã đẩy giá thành đầu tư lên cao. Nhiều đoạn đường, nút giao thông, theo yêu cầu của TP.HCM cũng được mở rộng ra so với sự kiến ban đầu.
Tuyến cao tốc này lần đầu tiên áp dụng công nghệ Novachip, một công nghệ thảm mặt đường mới, đắt gấp 7-8 lần so với công nghệ bê tông thông thường. Song nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ này chỉ phù hợp với các đường có nền ổn định, nhưng đây lại là công trình "đã lường trước lún" nên rất không hiệu quả mà tốn kém.
Trước vấn đề này, ông Dũng lý giải: Novachip là lớp tạo nhám, cần thiết với đoạn đường thiết kế tốc độ xe chạy từ 100-120km/h như cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Tuy nhiên, ở dự án này, công nghệ Novachip chỉ sử dụng trên cầu cạn, là chỗ không lún, còn những đoạn đường dẫn, đoạn đường chờ lún thì không hề sử dụng.
"Đúng là công nghệ mới khó tránh khỏi vấn đề kỹ thuật. Nhưng tôi khẳng định ở đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương thì không có vấn đề gì với công nghệ Novachip" - Bộ trưởng Dũng nói.
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là một bộ phận của tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ nối liền trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP.HCM với vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản ĐBSCL.
Tổng chiều dài tuyến cao tốc là 61,9km, gồm 39,8km đường cao tốc và 22,1km đường nối, đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang.
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 6.555 tỷ đồng, khởi công năm 2004 và dự kiến hoàn thành vào năm 2008. Nhưng do không đảm bảo tiến độ nên đến tháng 2-2010 mới khánh thành và tổng vốn đầu tư cho dự án này hơn 9.880 tỷ đồng, trung bình khoảng 250 tỷ đồng/km.
Bảo An