Giúp những cái dân cần
Đề án xây dựng mô hình làng, bản văn hóa quốc phòng (VHQP) ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ tỉnh Hòa Bình do Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình chủ trì chính thức khởi động vào tháng 7.2009 tại xóm Bãi Tam, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Đến nay, nó đã có những kết quả đáng mừng như cây tới mùa cho trái ngọt.
Xây dựng công trình dân sinh ở Kỳ Sơn (Hòa Bình). |
Chúng tôi tới xóm Nội (xóm VHQP) của xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn đúng vào thời điểm lực lượng dân quân xã và người dân trong xóm đang giúp gia đình ông Nguyễn Hồng Dương kè ao thả cá. Thấy tôi quan sát và nhẩm tính số người, ông Nguyễn Hồng Binh - Bí thư Đảng ủy xã thông báo ngay: “Quân số 68, dân quân 30, nhân dân 38”. Nói rồi ông Binh giải thích: “Bà con tự nguyện làm đổi công cho nhau, lực lượng dân quân xã xung phong giúp đỡ, làm xong ao nhà này sẽ chuyển sang ao nhà khác”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngày trước huy động lực lượng dân quân xã cũng như kêu gọi người dân thực hiện các công việc chung của xóm rất khó khăn vì là xã nghèo, người dân phải lo cho cuộc sống. Từ khi xây dựng mô hình làng VHQP, Ban CHQS huyện, các ban ngành đoàn thể của huyện, của xã và các doanh nghiệp trên địa bàn giúp đỡ xây dựng nhà văn hóa xóm, đổ đường bê tông, giúp các hộ gia đình nghèo kè ao thả cá, làm nhà vệ sinh, tư vấn giúp đỡ người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà, hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón để bà con trồng cây ngô lai năng suất cao... nhận thức của người dân đã có thay đổi. Họ hăng hái hơn trong phát triển kinh tế gia đình, tham gia các phong trào của địa phương.
Qua thời gian thực hiện mô hình, xóm Nội đã có 30 hộ thoát nghèo nhờ chăn nuôi lợn thịt, vịt siêu trứng, trồng ngô, trồng rừng; chất lượng huấn luyện dân quân từ trung bình vươn lên khá, hủ tục lạc hậu đã giảm hẳn...
Nói về mô hình này, đại tá Nguyễn Thế Dân - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cho biết: “Không riêng gì xóm Nội mà ở 14 làng, bản VHQP trên toàn tỉnh đã có sự phát triển nhanh chóng, trung bình có 20 – 30% hộ dân trong các xóm, bản thoát nghèo; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được giữ vững; 100% các xóm, bản không còn tệ nạn xã hội; chất lượng huấn luyện lực lượng dân quân ngày càng được nâng cao, có những cơ sở từ yếu kém vươn lên khá...”.
Có được kết quả đó, theo anh Dân, đó chính là mô hình làng, bản VHQP đã cho bà con “cái cần câu” để phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân thông qua các nội dung có thể kể như: Giúp dân xây dựng các công trình thuộc cơ sở hạ tầng; phát triển kinh tế hộ gia đình như cải tạo vườn tạp, ao cá, chuồng trại; tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, gìn giữ cảnh quan môi trường, xây dựng nâng cấp các công trình vệ sinh...
Sức mạnh tổng hợp
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi có chủ trương xây dựng làng VHQP xóm Nội, các cấp, các ngành của huyện, xã, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ hơn 500 triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động, xây dựng gần 20 hạng mục gồm: Đường bê tông, nhà vệ sinh, kè bờ ao...
Tới thời điểm này, 14 làng VHQP của các huyện, thành phố trong tỉnh Hòa Bình đã được đầu tư gần 8 tỷ đồng và hơn 2 vạn ngày công lao động, hằng trăm máy móc phương tiện san gạt đất, đổ bê tông công trình. Số tiền và phương tiện này đều do các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các công ty doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ.
Ông Đinh Đăng Điện- Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - Trưởng ban chỉ đạo xây dựng mô hình làng, bản VHQP huyện Kỳ Sơn khẳng định: “Thực hiện mô hình làng VHQP phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, mang tính xã hội hóa, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp mới tạo sự bền vững. Sự thành công của huyện Kỳ Sơn trong xây dựng làng VHQP xóm Nội là có Ban CHQS huyện làm tốt công tác tham mưu, lên phương án chi tiết, cụ thể, phát huy được vai trò của các đơn vị, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, nhận được sự đồng thuận sâu sắc của nhân dân”.
Từ chuyện xây dựng làng VHQP ở huyện Kỳ Sơn, theo đại tá Nguyễn Thế Dân - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình, để tạo bền vững của mô hình rất cần sự phối hợp của nhiều lực lượng và gắn kết chặt chẽ mô hình với các dự án nông thôn mới, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh.
Mô hình sẽ được nhân rộng
Gặp chúng tôi, Thiếu tướng Bùi Đình Phái- Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình vui mừng thông báo: “Được sự nhất trí của Thường trực tỉnh ủy, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã có tờ trình nâng đề án làng, bản VHQP lên thành đề án cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo”. Cơ sở để triển khai rộng đề án đó là qua thực hiện mô hình ở cơ sở đã có hiệu quả tốt, hợp lòng dân.
Đề án cấp tỉnh đợt này sẽ được triển khai ở tất cả các xã nghèo của tỉnh. Thực hiện theo phương châm: “Kiên trì, bước đi vững chắc, nhân dân ủng hộ, cán bộ đi đầu” với mục tiêu: “Làng, bản ấm no, không còn nghèo đói; Sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; Gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; Làng xóm yên vui”.
Riêng đối với các hoạt động tư vấn giúp đỡ người dân thoát nghèo sẽ thực hiện nhiều mô hình như đối chứng, làm mẫu, làm thử nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Từ đó sẽ thực hiện được chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết tốt vấn đề tam nông, xây dựng địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh vững mạnh, nhân dân sát cánh cùng LLVT xây dựng và giữ vững khu vực phòng thủ. Nhân rộng mô hình làng, bản VHQP chính là nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhân dân địa phương.
Mùa A Khoai