Trừ tiền bán gỗ của dân
Ông Hà Đình P (nhân vật đề nghị giấu tên), ở xã Xuân Hòa trồng gần 50ha keo. Những năm trước, khi ông muốn khai thác, thu hoạch keo để bán cho thương lái, thì chỉ làm thủ tục báo cáo với chính quyền địa phương. Khi được UBND xã thẩm tra, xác nhận khai thác số diện tích keo, rồi quy ra số lượng (tính theo xe chở), ông chỉ phải nộp mỗi xe 50.000 đồng về cho UBND xã là xong.
Rừng keo đến ngày khai thác, nhưng người dân xã Cát Vân (Như Xuân, Thanh Hóa) chưa muốn thu hoạch vì bị mất thêm 50.000 đồng/xe gỗ. |
Thế nhưng, từ tháng 2.2012, ông “bỗng nhiên” mất thêm tiền cho mỗi xe keo khi chặt hạ trong rừng của mình. Theo lý giải của ông P từ khi thực hiện Thông tư 01/2012 của Bộ NNPTNT, cánh tư thương đến mua keo của gia đình ông yêu cầu bớt tiền mua gỗ. Bởi theo lý giải của họ, ngoài phần nộp 50.000 đồng/xe về UBND xã, thương lái còn phải xin xác nhận nguồn gốc lâm sản từ cán bộ kiểm lâm địa bàn, thì xe mới có thể chở keo đi nhập cho các công ty chế biến gỗ.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Chấn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân cho biết: Theo Thông tư 35/2011 của Bộ NNPTNT, khi chủ rừng trồng muốn khai thác phải lập kế hoạch, báo cáo lên UBND xã chứng nhận việc chủ rừng khai thác ở số lô, khoảnh và sản lượng gỗ keo, bạch đàn bao nhiêu. Sau đó, khi khai thác xong, vận chuyển bằng xe ra ngoài đi nhập cho công ty thu mua lâm sản, chủ rừng, hoặc chủ xe phải nộp phí bến bãi, môi trường, giao thông… theo quy định mỗi xe là 50.000 đồng về ngân sách xã.
“Hiện nay, theo Thông tư 01, thì phải có xác nhận của kiểm lâm viên địa bàn về việc khai thác lâm sản của người trồng rừng. Còn việc người dân phản ánh là phải nộp thêm phí cho kiểm lâm viên địa bàn nữa thì chúng tôi không thể biết được”- ông Nguyên nói.
Kẽ hở cho “tiêu cực phí”?
Khi nghe đề cập đến vấn đề trên, một thương lái thường xuyên đi thu mua keo của bà con ở huyện Như Xuân nói thẳng: “Thực tế là mỗi xe gỗ keo, hay xe bạch đàn hiện nay, chúng tôi phải nộp thêm tiền theo yêu cầu của kiểm lâm địa bàn, thì mới có xác nhận và chữ ký để xe lăn bánh”.
Thương lái này cho biết: Trước kia, mỗi lần đi thu mua keo của bà con (thường là mua cả khu đồi, tính ra sản lượng), thì chỉ cần chủ rừng và người mua thống nhất giá keo sau khi đã trừ 50.000 đồng/xe nộp về UBND xã. Còn bây giờ, họ nhất thiết phải trừ thêm phần tiền “xin chứng nhận” của cán bộ kiểm lâm địa bàn vào tiền mua gỗ của chủ rừng. Nếu chủ rừng và thương lái không thống nhất được khoản đó, thì họ sẽ không thu mua gỗ của dân.
Ông Phạm Chấn Nguyên
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Kim Du - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Xuân (Thanh Hóa) khẳng định: Việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ kiểm lâm địa bàn theo Thông tư 01 là đúng, giúp cho cán bộ kiểm lâm quản lý, kiểm soát tốt về “Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản”.
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề người trồng rừng và người thu mua khi đi xin xác nhận của kiểm lâm địa bàn, thì phải đóng thêm phí. Ông Du nói: “Làm gì có chuyện thu phí như vậy! Chúng tôi chỉ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cán bộ kiểm lâm địa bàn thôi”.
Tuy nhiên, theo một vị Phó Chủ tịch UBND xã ở huyện Như Xuân (người này cũng đề nghị không nêu tên), việc nộp phí cho cán bộ kiểm lâm địa bàn khi người dân đăng ký khai thác gỗ keo, bạch đàn do họ trồng là có thật.
“Tôi thấy việc này là kẽ hở cho vấn đề “tiêu cực phí”, khiến cho cả người trồng rừng và người thu mua gỗ rừng trồng mất tiền oan” - vị Phó Chủ tịch xã nói.
Hồng Đức