Ông Nguyễn Hoàng Hiệp |
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng thực hiện việc thông báo danh sách cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông lên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Ông Hiệp cho biết: Phó Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành công điện chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để thông báo danh sách các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên báo, đài truyền thanh địa phương.
Riêng các hành vi vi phạm nghiêm trọng như chống người thi hành công vụ, uống rượu bia gây tai nạn giao thông, danh sách những người vi phạm gửi về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để Ủy ban phối hợp với các cơ quan thông tin, thông báo trên thông tin truyền thông trung ương. Chỉ đạo này đang được giao cho các cơ quan chức năng hiện thực hóa.
Xin ông cho biết vì sao phải áp dụng biện pháp này?
- Theo quy định của Bộ Công an hiện nay, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm giao thông còn bị thông báo công khai về danh tính, hành vi vi phạm. Thời gian vừa qua, ngành công an thực hiện biện pháp thông báo vi phạm an toàn giao thông về cơ quan, đơn vị của người vi phạm. Tuy nhiên, kết quả của biện pháp này không cao.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ phản hồi trung bình của các đơn vị có người vi phạm về các cơ quan công an chỉ ở mức 2-3%. Vì vậy, việc thông báo danh sách người vi phạm lên các phương tiện truyền thông là cần thiết để tăng tính răn đe, giáo dục.
Các hành vi vi phạm giao thông sẽ được thông báo trên các phương tiện truyền thông. |
Có ý kiến cho rằng, vi phạm giao thông là vi phạm hành chính, việc đưa tên lên báo chí sẽ tác động tiêu cực đến cá nhân người vi phạm?
- Hiện nay, Chính phủ cũng chỉ đạo đưa vi phạm giao thông thành tiêu chí thi đua của các địa phương. Tuy nhiên, với địa phương thì dễ thực hiện vì vi phạm được thể hiện qua số vụ vi phạm, số vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, với cá nhân thì chưa có biện pháp nào tăng hiệu quả răn đe, xử lý hiệu quả. Đó cũng là lý do cần áp dụng thêm biện pháp mới.
Cần ủng hộ
Trong xã hội hiện đại, con người có xu hướng hạn chế tối đa công khai các thông tin cá nhân. Tuy nhiên, với xã hội nước ta, đặc biệt tình trạng mất an toàn giao thông nghiêm trọng như hiện nay thì việc đưa các thông tin của người vi phạm lên báo chí là có thể chấp nhận được, cần ủng hộ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tính hiệu quả của biện pháp đó. Liệu đưa thông tin như vậy có hiệu quả không; báo chí có đăng được hết danh sách hay không. Theo tôi, trước hết, chỉ nên "bêu" các vi phạm nặng mà thôi.
Tiến sĩ xã hội học
Trịnh Hòa Bình
Vậy cách thức thực hiện dự kiến sẽ như thế nào, thưa ông?
- Ở các địa phương, danh sách người vi phạm được thông báo lên các phương tiện truyền thông như báo, đài phát thanh, truyền hình địa phương, cũng có thể là trên trang tin điện tử của các địa phương. Danh sách được đưa lên trước hết là cán bộ công chức.
Với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng được chuyển ra trung ương để đăng thông tin lên các phương tiện truyền thông ở trung ương. Thế nào là vụ việc nghiêm trọng, cách thức thông tin ra sao sẽ có hướng dẫn, thực hiện cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực (thực hiện)