Mận được bán ở thị trấn Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh Hữu Thông |
Theo chân Vàng Seo Sùng (thôn Làng Mới) lên đồi mận của gia đình anh, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Cả một rừng mận ngút ngàn rộng 1,6ha nhưng năm nay, gia đình anh không được thu hoạch một quả nào.
Giá cao vẫn không vui
"Mận ra hoa nhiều, cả nhà phấn khởi lắm, nghĩ năm nay được mùa to. Nhưng hạn hán kéo dài, mấy tháng trời không một hạt mưa thế là hoa rụng hết, không đậu quả nữa"- anh Sùng xót xa.
Cùng cảnh ngộ với gia đình Sùng là gia đình anh Vù Seo Giáo (thôn Quán Dín Ngài). Nhà anh Giáo là một trong những hộ khá của xã Bản Phố. Căn nhà 3 gian khang trang mà gia đình đang ở phần lớn là nhờ vào số tiền thu hoạch mận mà gia đình anh tích cóp mấy năm trước. Năm ngoái, sau vụ thu hoạch, nhà anh Giáo phải phá bỏ tất cả những gốc mận Bắc Hà, chỉ giữ lại vài chục gốc mận Tam Hoa. Anh Giáo hy vọng, vụ này, mận Tam Hoa sẽ cho năng suất cao. "Trời chẳng mấy khi chiều lòng người, mận ra hoa rồi rụng hết sạch. Nhẩm tính sơ qua, mình đã thất thu cả chục triệu đồng"- anh Giáo nói.
Ông Thào Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Bản Phố
Theo ông Giàng Seo Sẩu-Chủ tịch Hội ND xã Bản Phố, xã có khoảng 40ha mận, trong đó chủ yếu là mận Tam Hoa, trung bình mỗi ha thu khoảng 1 tấn quả. Tuy nhiên, theo ông Sẩu, năm nay, năng suất chỉ 500kg/ha.
"Giá mận bán tại gốc từ 4.000-6.000 đồng/kg gấp 3-4 lần năm ngoái, bà con cũng vui nhưng số này không nhiều. Hàng chục hộ trong xã trắng tay vì mận ra hoa nhưng không đậu quả vì trời không mưa, khan hiếm nước tưới"- ông Sẩu cho biết thêm.
Ước tính đã có khoảng gần 400ha mận Tam Hoa bị phá bỏ. Hiện, toàn huyện có khoảng trên 4.000ha mận; hàng năm cho thu hoạch trên dưới 4.000 tấn. Riêng diện tích mận Tam Hoa chiếm 2.000ha.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây, do điệp khúc “được mùa, mất giá” lặp lại, thị trường tiêu thụ không ổn định, mận Trung Quốc tràn vào... nên người dân không còn mặn mà với cây trồng này dù UBND huyện Bắc Hà đang có chủ trương khôi phục lại diện tích mận Tam Hoa.
Bao giờ cho đến ngày xưa?
Con đường lên đồi mận ở thôn Quán Dín Ngài, dù đang rộ mùa thu hoạch nhưng chỉ thấp thoáng vài chiếc gùi. Theo những người bản xứ kể, khoảng chục năm trước, vào vụ thu hoạch mận, người già, trẻ nhỏ đều lên đồi hái mận, vui như ngày hội. Xe máy Minsk chạy hết bản nọ đến bản kia để thu mua mận bán cho các lái buôn dưới xuôi; xe tải nặng xếp hàng dài để chờ "ăn hàng".
"Các lái buôn đến đây trước cả tháng trời liền để tìm mối mận. Những người bốc vác làm thuê như chúng tôi cũng kiếm được nhiều mối chuyển hàng. Có ngày thu nhập hơn một trăm nghìn. Năm nay, ngồi từ sáng sớm đến tối mịt cũng chỉ kiếm được dăm chục. Mận Bắc Hà hết thời, chị em lại kiếm việc khác làm thêm"- chị Vàng Thị Sanh, một lao động tự do ở chợ thị trấn Bắc Hà cho biết.
Mùa mận, lượng khách du lịch đến Bắc Hà cũng đông hơn. Theo ông Thào Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Bản Phố, dù mùa mận chỉ khoảng 1 tháng nhưng lượng khách du lịch đến trong những ngày này tăng gấp đôi, gấp ba.
Không chỉ Bản Phố mà các xã trồng nhiều mận như Tả Chải, Na Hối, Lầu Thí Ngài… lượng khách du lịch cũng tăng lên đáng kể.
Mận, niềm tự hào và là cây “xoá đói, giảm nghèo” cho người dân Bắc Hà. Nhiều gia đình ở đây đã giàu lên từ mận Tam Hoa. Vậy mà, giờ đây, mận đang đứng trước nguy cơ bị thay thê bằng các cây trồng khác.
Hữu Thông