Nút giao thông Giảng Võ - Đê La Thành đã thông thoáng hơn sau khi được tháo rào chắn. |
Hệ thống đèn giao thông không được sử dụng mấy tháng nay được khôi phục trở lại. Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng tái xuất hiện để điều tiết giao thông.
Các phương tiện lưu thông khá thông thoáng, không xảy ra ùn tắc. Trung tá Phạm Công Dũng - Đội cảnh sát giao thông số 3 đang hướng dẫn giao thông tại đây cho biết: "Nhìn chung việc đi lại thuận tiện hơn trước. Trong buổi sáng nút không xảy ra ùn tắc".
Chị Lan - một trong những người thường xuyên đi qua nút này thở phào khi không phải đi lòng vòng để qua ngã tư này. "Hàng ngày, lúc đường vắng cũng phải đi vòng hơn trăm mét mới sang đường được. Nếu cứ có thanh tra, CSGT trực điều khiển giao thông thế này thì đường không tắc mà người đi đường cũng khoẻ".
Trao đổi với NNNN, ông Thạch Như Sỹ - Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc dỡ bỏ rào chắn giữa ngã tư này là vì thấy có một số hạn chế. Thanh tra giao thông sẽ theo dõi và áp dụng các biện pháp phân làn khác. Có thể chúng tôi sẽ tiếp tục tháo rào chắn ở một số điểm. "Việc thử nghiệm các giải pháp và thay đổi cũng là việc bất đắc dĩ phải làm, chủ yếu với mục đích thuận lợi giao thông" - ông Sỹ nói.
Giải pháp chống ùn tắc giao thông bằng cách bịt ngã tư được Sở GTVT Hà Nội áp dụng từ tháng 4-2009 với hơn 10 nút giao thông. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai với số lượng điểm bị bịt ngày càng tăng, nhiều người dân và chuyên gia giao thông đã tỏ ra phản đối.
Trong loạt bài của NTNN phản ánh về vấn đề này (trên các số báo 20,21,22 ra ngày 28,29-1 và 1-2-2010), các nhà khoa học đã cảnh bảo nguy cơ tai nạn gia tăng, lãng phí xăng dầu và phát sinh ùn tắc trong việc triển khai giải pháp này.
Theo các nhà khoa học, giải pháp này chỉ phát huy tác dụng tại các nút ngã tư là điểm giao nhau giữa các đường có lưu lượng người tham gia giao thông chênh lệch nhau lớn; ngược lại sẽ phát sinh ùn tắc tại các giao điểm giữa các đường có lưu lượng xe ngang bằng nhau.
Sỹ Lực