Tiêu huỷ lợn mắc bệnh tai xanh ở Hiệp Hoà, Bắc Giang. |
Bệnh có tính chu kỳ?
Bệnh tai xanh ở lợn hay còn gọi là Hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) do virus Lelystad gây ra. Loại virus này tồn tại trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch, phân, nước tiểu… và được phát tán ra môi trường theo gió. Lợn khi mắc bệnh này tai thường chuyển sang màu xanh, lợn chết thường là do nhiễm trùng kế phát các tác nhân bệnh khác như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, liên cầu khuẩn, suyễn heo...
Theo ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), dịch tai xanh bùng phát mạnh xuất phát từ mầm bệnh đã ủ sẵn từ năm 2007.
Ông Trần Văn Hiên - Giảng viên khoa Thú y, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phân tích: "Ở địa phương có dịch tai xanh đã xuất hiện, vẫn tiềm ẩn virus trong một số con lợn có miễn dịch nửa chừng. Vì thế dễ bùng phát ở những con có mẫn cảm, hay thời tiết thay đổi dịch sẽ xảy ra".
Theo chu kỳ, dịch tai xanh thường phát vào khoảng thời gian tháng 3 và 4, PGS-TS. Tô Long Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương lý giải: Người nuôi tiêm phòng vaccin không đầy đủ là một lý do khiến lợn nuôi dễ mắc bệnh.
Chưa có vaccin đặc hiệu
Ông Vũ Đình Phượng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho hay: "Bệnh tai xanh hiện không có thuốc đặc trị. Tuy đã có vaccin tai xanh nhưng thẳng thắn mà nói thì loại vaccin này chưa tốt".
Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y cũng thừa nhận mức độ kháng bệnh tối đa của loại vaccin tai xanh hiện nay chỉ đạt 60%, nếu tiêm phòng không triệt để tỷ lệ kháng bệnh chỉ đạt 20 - 30%.
Theo Cục Thú y, hiện có 4 loại vaccin ngoại đã đăng ký và được phép lưu hành ở Việt Nam trong đó loại vaccin nhược độc của Đức khá tốt, tiêm vào virus bị triệt tiêu ngay. PGS - TS. Tô Long Thành cho rằng: "Mặc dù mức kháng bệnh của loại vaccin chưa thực sự tốt (chỉ đạt 60%), nhưng nếu lợn được tiêm đầy đủ, đúng định kỳ thì tỷ lệ kháng bệnh đạt tới 95 - 100%".
Theo TS. Trần Xuân Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thú y, xét về khía cạnh khoa học khi sử dụng vaccin tai xanh có thể ngăn cản được khả năng truyền virus qua tinh dịch và sự bài tiết virus ra môi trường ngoài được hạn chế và rút ngắn.
Bài 2: Sống chung với dịch?
Đình Thắng - Hữu Thông