Các bác sĩ nước ngoài đang tham dự khóa học phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Trên 100 bác sĩ “ngoại”
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tính đến nay, Bệnh viện đã đào đạo và chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi cho trên 100 bác sĩ đến từ các nước có nền y tế khá phát triển như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Pakistan và Australia.
Bác sĩ Ramino De Castro, công tác tại Bệnh viện miền Nam Manila, Philippines cho biết: “Mới đây, tôi được nghe một đồng nghiệp kể về hội nghị phẫu thuật tiêu hóa và ung thư IASGO tại Trung Quốc và đã chứng kiến các bác sĩ Việt Nam trình bày những kỹ thuật mới mà y văn thế giới vẫn chưa đề cập đến. Vì thế, tôi và 4 đồng nghiệp khác đã quyết định sang Việt Nam để học kỹ thuật này”.
Theo ông Castro, Việt Nam có chuyên ngành phẫu thuật nội soi rất mạnh, không thua các nước phát triển. Ông cho biết, sang Việt Nam, lần đầu tiên ông được chứng kiến các bác sĩ thực hiện kết hợp phẫu thuật nội soi và phẫu thuật tự nhiên để cắt bỏ toàn bộ đại trực tràng cho bệnh nhân bị ung thư. Sự khác biệt là người bệnh ít đau hơn, giảm thiểu những biến chứng sau mổ, mau phục hồi và chi phí điều trị giảm.
Kể từ ca nội soi cắt túi mật đầu tiên vào năm 1987, phẫu thuật nội soi với sự can thiệp tối thiểu ngày càng trở thành nhu cầu và xu hướng ở hầu hết các trung tâm y khoa trên thế giới.
Ở Việt Nam, đến năm 1993, phẫu thuật cắt túi mật nội soi được thực hiện lần đầu tại Khoa Ngoại tổng quát của Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ đó đến nay, các kỹ thuật phức tạp như cắt thực quản qua nội soi, cắt dạ dày và nạo hạch, cắt đại trực tràng qua đường tự nhiên, lấy thận ghép… còn khá mới với một số nước nhưng ở Việt Nam, nhiều bệnh nhân đã được điều trị.
Tiếng lành đồn xa
“Nổi đình nổi đám” nhất mà báo chí Việt Nam và nước ngoài đăng tải là kỹ thuật nội soi mới giúp một bệnh nhân ăn uống được sau 20 năm vì uống axít. Đó là trường hợp bệnh nhân nữ T.T.K.V, 37 tuổi, trú tại Mỹ Tho, Tiền Giang được Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật nội soi với sự chứng kiến của các học viên là các bác sĩ nước ngoài.
Lúc 17 tuổi, bệnh nhân này đã uống nhầm axít làm đoạn thực quản từ cổ đến ngực bị bít hẹp và dính chặt vào tĩnh mạch và động mạch chủ, bệnh nhân không còn phản xạ nuốt thức ăn. Do đó, suốt 20 năm, bệnh nhân sống nhờ ống thông để đưa trực tiếp thức ăn xay nhuyễn vào dạ dày.
Các bác sĩ tại Việt Nam đã tiến hành mổ nội soi bằng cách cắt đại trực tràng bên trái khoảng 60cm, sau đó luồn sau xương ức đưa lên thay thế cho thực quản teo hẹp. Hiện nay, bệnh nhân đã ăn, uống được bình thường.
Bác sĩ Lâm Việt Trung – Phó khoa Ngoại tiêu hóa cho biết, người phụ trách đầu tiên của chương trình này là cố TS - BS. Nguyễn Minh Hải. Trong hàng trăm ca phẫu thuật tạo hình thực quản (chủ yếu do ung thư) tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian qua có 15 ca do uống nhầm hoá chất và chỉ vài ca được thực hiện thành công (các nước trong khu vực hầu hết chưa thực hiện được).
Được biết, ca mổ có bảo hiểm y tế thì bệnh nhân phải chi trả chưa đầy 10 triệu đồng. Nếu so sánh tại Mỹ, chi phí cho loại phẫu thuật hẹp thực quản như bệnh nhân này phải tốn đến 40.000USD.
Một bác sĩ người Pakistan sau khi theo dõi ca phẫu thuật trên đã khẳng định: “Đây là kỹ thuật khó, rất ít quốc gia thực hiện. Thậm chí ở Anh chỉ mới cắt thực quản qua nội soi ngực bụng chừng vài chục ca thì ở Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã thống kê được trên 100 ca”.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, hiện nay, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã thực hiện được tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh các kỹ thuật tiên tiến, dịch vụ chăm sóc và thái độ cư xử người bệnh tại Việt Nam cần phải chuyên môn hóa hơn. Có như vậy, chắc chắn người bệnh Việt Nam sẽ không phải đi nước ngoài để... mua dịch vụ.
Tùng Lâm