Dân Việt

Chúng tôi hát những điều quý giá...

03/06/2010 07:49 GMT+7
(Dân Việt) - Tối 6-6 tới, khán giả sẽ được đồng hành cũng Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ trên “Con đường âm nhạc” của ông. Dù bận rộn chuẩn bị cho chương trình, hôm qua ông đã dành cho NTNN cuộc trò chuyện.
img
Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ

Xin bắt đầu từ chuyện cũ. Ông và cố Nghệ sĩ nhân dân Lê Dung đều trưởng thành từ vùng mỏ, giữa 2 người được mệnh danh là “cặp đôi opera xuất sắc nhất Việt Nam” có điều gì đặc biệt hay không?

- Giữa chúng tôi có chung rất nhiều điều quý giá. Chúng tôi cùng bắt đầu cuộc sống từ vùng mỏ. Khi tôi còn là một anh thợ lò thì Lê Dung đang là học sinh trung học. Ngày ấy, chiến tranh chống Mỹ ác liệt lắm, trên trời là bom đạn nhưng ở dưới hầm lò chúng tôi vẫn song ca cho công nhân mỏ nghe.

Giữa những ngày bom đạn ác liệt nhất, chúng tôi cùng nhau đi diễn trên chiếc xe đạp cũ, giữa đường dính bom Mỹ phải bỏ xe vào hầm trú ẩn, khi quay lại chỉ còn chiếc xe bẹp rúm. Chúng tôi đã cùng nhau mang chiếc xe bẹp đó, đi bộ suốt đêm để về nhà, trong trái tim, chỉ có ngập tràn là tình yêu âm nhạc... Nói thì có vẻ khô cứng nhưng thực sự nếu không có những ngày gian khổ ấy, tình yêu âm nhạc chắc gì đã còn lại trong tôi đến ngày hôm nay.

Có khi nào ông buồn vì thị trường âm nhạc hôm nay, khán giả hôm nay và cảm thấy “tủi” cho những người trung thành với dòng nhạc chính thống như mình?

- Đừng nghĩ các ca sĩ nhạc chính thống thì không thành ngôi sao. Dòng nhạc nào khán giả đó. Khán giả nào ngôi sao đó. Có thể nói những ngôi sao như Trọng Tấn, Đăng Dương… hiện nay là những nghệ sĩ giàu về vật chất, họ có khả năng kiếm tiền tốt và vẫn làm nghề rất tốt. Các nghệ sĩ của dòng nhạc này cũng ít không được các phương tiện truyền thông tung hô nhưng bù lại, giá trị của họ thì không hề “ảo”.

Năm 1973, ca sĩ Quang Thọ đã giành giải thưởng tại cuộc thi hát Tiếng hát Sinh viên thế giới lần thứ 9 tổ chức tại Berlin (Đức). Năm 1983, ông đoạt giải Nhì cuộc thi hát quốc tế tổ chức ở Mông Cổ. Sau 8 năm gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, ông về giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia.

Vậy ông sẽ nói điều gì với khán giả vào liveshow 6-6 tới đây?

- Một điều rất giản dị, chúng tôi không phải những người chỉ hát về những ngày đã qua, hát về quá khứ… Trong những tác phẩm mà chúng tôi hát lên có rất nhiều điều quý giá mà cuộc sống ngày hôm nay không còn nữa.

Trên con đường âm nhạc của mình, anh nhớ tới ai nhiều nhất?

- Tôi nhớ tới vùng mỏ, nơi mà không có nó thì không có tôi. Tôi nhớ tới những thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ đi trước rất đáng kính đã truyền cảm hứng cho chúng tôi và rất nhiều thế hệ. Tôi nhớ tới những khán giả đã lưu lại sân khấu rất lâu sau liveshow “Một thời và mãi mãi” năm 1994 của tôi và Lê Dung.

Và tôi nhớ tới người vợ của tôi, trong những tháng ngày gian khó, đã sẵn sàng ra ngồi bán chè đậu đen ở đầu ngõ để duy trì cuộc sống gia đình cho tôi chuyên tâm làm nghệ thuật. Không có những con người như thế, làm sao tôi có thể đi trọn vẹn con đường của mình?

Không chỉ là một ca sĩ, ông còn là một người thầy, hiện giữ chức vụ Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội. Điều kỳ lạ là rất nhiều ngôi sao nhạc nhẹ như Tùng Dương, Khánh Linh... cũng theo học ông. Ông có thể nói gì về những học trò này?

- Là một người thầy dạy nghệ thuật, nên hạnh phúc của chúng tôi cũng khác với các bạn đồng nghiệp dạy các môn học khác. Thành công lớn nhất của chúng tôi không phải là đào tạo ra hàng loạt các nghệ sĩ na ná giống nhau hay một vài gương mặt là "bản sao" của các thầy. Những ca sĩ cá tính như Tùng Dương, điều quan trọng là tôi hướng dẫn cho cậu ấy về kỹ thuật hát chứ không gò ép phải hát giống mình. Biết phát huy điểm mạnh để tạo phong cách trình diễn, thể hiện "hồn" âm nhạc mang bản sắc riêng của từng ca sĩ mới là tiêu chí được chúng tôi đặt lên hàng đầu.