Dân Việt

Sống chung với dịch tai xanh?

03/06/2010 09:49 GMT+7
(Dân Việt) - Để cứu đàn lợn và cứu ngành chăn nuôi, nhiều giải pháp ứng phó với dịch tai xanh đã được đưa ra.
img
Việc chăn nuôi manh mún sẽ gây nhiều hậu quả khó lường.

Nuôi manh mún thì... chết

Đến thời điểm này có 16 tỉnh đã phát dịch với khoảng 150.000 con lợn bị ốm. Dịch bệnh trên đàn lợn nuôi, nhất là dịch tai xanh, xảy ra càng nhiều, lây lan nhanh đã tạo ra những tác động xấu cho ngành chăn nuôi nước ta với mức độ thiệt hại ngày càng lớn.

TS. Trần Xuân Hạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty Thuốc thú y T.Ư (Navetco) nhận xét: "Với kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, khó mà đòi hỏi kết quả phòng chống dịch cao hơn".

Theo TS. Hạnh, để phòng chống dịch tai xanh được chủ động hơn, ngoài việc tăng cường các công tác kiểm dịch, tiêm vaccin, vệ sinh tiêu độc… ngành chăn nuôi cần phải tiến tới hình thức chăn nuôi trang trại lớn.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Đình Phượng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho rằng: "Bắc Giang là một trong 6 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về phong trào nuôi lợn với tổng đàn 1,1 triệu con, nếu tính cả lợn con theo mẹ xấp xỉ 2,5 triệu con, với trên 400 trang trại quy mô từ 200 - 3.000 con lợn/trại.

Cho đến thời điểm này dịch chỉ bùng phát và lây lan ở các hộ nuôi manh mún nhỏ lẻ kiểu gia trại. Riêng các trang trại lớn, vùng nuôi công nghiệp không hề có dịch".

Phân tích tác động của dịch tai xanh đến ngành chăn nuôi, ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay: Ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác phòng trừ dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức.

Hơn nữa, việc chăn nuôi nhỏ xen lẫn trong khu dân cư, càng tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh khi bùng phát. Do đó, cần phải phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn mang tính công nghiệp, độc lập, xa khu dân cư và đảm bảo an toàn sinh học".

Kịp thời điều trị sẽ khỏi

Ông Hoàng Kim Giao cho biết: Năm 2008, dịch tai xanh đã khiến cho tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi tụt xuống còn 0,5%, giảm 3,5% so với năm 2006. Chăn nuôi lợn chiếm 70% GDP của toàn ngành, nếu chúng ta không dập dịch dứt điểm trong tháng 6, ngành chăn nuôi sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.

Từ những đợt điều trị dịch tai xanh của những năm trước, ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho hay: "Kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương vừa qua cho thấy, điều quan trọng nhất là phát hiện dịch bệnh sớm, báo cáo và xử lý ổ dịch kịp thời. Việc tăng cường sức đề kháng cho lợn bằng các loại vitamin C, khoáng vi lượng và các loại kháng sinh phổ rộng để điều trị nhiễm trùng các bệnh vi trùng kế phát cũng là liệu pháp tốt, các hộ nuôi nên thực hiện".

Bắc Giang là tỉnh mới phát dịch tai xanh. Cùng với việc chống dịch, tỉnh còn làm tốt công tác cứu chữa lợn bệnh. TS. Hoàng Đăng Huyến - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bắc Giang cho hay: “Việc điều trị bệnh dựa trên cơ sở sử dụng các loại thuốc kháng sinh chống các vi khuẩn bội nhiễm, sử dụng các loại thuốc chữa trị triệu chứng của bệnh như sốt, chống táo bón, ỉa chảy... nâng cao sức đề kháng của lợn bệnh bằng các loại thuốc trợ sức, trợ lực.

Ông Văn Đăng Kỳ khuyến cáo hiện nay có nhiều hộ dân âm thầm chữa trị bệnh cho lợn bằng thuốc trôi nổi ngoài thị trường, điều đó sẽ khiến các hộ nuôi mất tiền mà lợn bệnh cũng sẽ không thể chữa khỏi.

Bài 3: Tẩy chay thịt lợn là sai lầm