Thu hoạch lúa đông xuân ở Thạch Thất, Hà Nội. |
Sản lượng đạt 5,5 triệu tấn
Theo ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo cấy vụ đông xuân 2009-2010 ở 2 vùng đạt 890 nghìn ha, tăng 9 nghìn ha so với kế hoạch, giảm trên 3 nghìn ha so với vụ đông xuân 2008-2009. Phần lớn diện tích giảm do chuyển đổi cây trồng khác ở những vùng khô hạn và thiếu nước.
Báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh thành ở đồng bằng sông Hồng cho thấy, tính đến ngày 2-6, năng suất lúa dự kiến đạt 63,7tạ/ha, sản lượng ước đạt 3,51 triệu tấn. Một số tỉnh có năng suất cao như Thái Bình 70,5tạ/ha; Bắc Ninh 65,5tạ/ha; Hà Nam 64tạ/ha... Các tỉnh Bắc Trung bộ, đạt khoảng 57,7tạ/ha, sản lượng ước đạt 1,960 triệu tấn. Hầu hết các tỉnh đều có năng suất đạt và vượt vụ đông xuân năm ngoái.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trà lúa xuân muộn với những giống có thời gian sinh trưởng ngắn tiếp tục khẳng định ưu thế. Thực tế cũng cho thấy việc tăng tối đa trà lúa xuân muộn là giải pháp tối ưu để đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết và sâu bệnh.
“Mặc dù gặp khó khăn như nắng nóng đầu vụ, hạn hán kéo dài, bệnh lùn sọc đen lây lan rộng, nhưng vụ lúa đông xuân năm nay của đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ vẫn được đánh giá là được mùa, sản lượng thóc đạt gần 5,5 triệu tấn và là một trong những vụ đông xuân có sản lượng cao nhất từ trước đến nay”- ông Phạm Đồng Quảng nhấn mạnh.
Nỗi lo úng ngập và bệnh lùn sọc đen đe doạ
Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết mùa mưa lũ năm 2010, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến VN nhiều hơn trung bình của các năm (5-6 cơn). Lũ năm nay khả năng có đỉnh cao hơn năm ngoái... Trước mắt, các địa phương đang phải đối phó với tình trạng nắng nóng gay gắt và kéo dài.
Theo dự báo, từ nay đến ngày 10-6, vẫn chưa có mưa lớn để “hạ nhiệt”. “Vụ hè thu, vụ mùa năm nay trong diễn biến khó lường của thời tiết nên các địa phương cần lo chống hạn đầu vụ và úng ngập cuối vụ”- ông Tăng lưu ý các địa phương.
Với diễn biến thời tiết phức tạp như vậy, theo cảnh báo của Cục Bảo vệ thực vật, nguy cơ bùng phát và mức độ phá hoại của bệnh LSĐ trên lúa ở phía Bắc trong vụ mùa là rất cao.
Ông Trần Xuân Định - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết, hiện nay tỉnh đã chi 4 tỷ đồng cho nông dân xử lý hạt giống và tuyên truyền hướng dẫn cho bà con cách nhận biết, phòng trừ bệnh. Vụ đông xuân vừa qua, Thái Bình có gần 18.000ha lúa bị bệnh lùn sọc đen tấn công, trong đó có 8,7ha giảm 15% năng suất.
“Thời gian từ vụ xuân sang vụ hè thu và vụ mùa rất ngắn. Vừa gặt lúa vừa gieo mạ nên mầm mống bệnh không được xử lý triệt để. Nguy cơ bùng phát bệnh là khó tránh khỏi” - ông Định nhấn mạnh.
Trước những diễn biến trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các địa phương đã đối phó thành công với bệnh LSĐ trên lúa do có sự chỉ đạo quyết liệt trong phòng trừ rầy.
Theo ông Phát, ở phía Bắc không chỉ có bệnh lùn sọc đen mà còn có bệnh lùn xoắn lá, vì thế các địa phương cần phải chú ý phòng trừ cả rầy nâu và rầy lưng trắng, tránh lặp lại “kịch bản” của vụ mùa năm ngoái khi chúng ta mất 30.000ha vì lùn sọc đen.
Riêng đối với mưa bão, ngập úng, rút kinh nghiệm năm 2005, khi lúa chín, bão đổ bộ “cướp” 700.000 tấn lúa, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Bằng mọi cách, các địa phương phải lên các phương án cụ thể trong phòng chống úng ngập, đặc biệt là ngập úng giữa vụ và cuối vụ.
Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta không những bảo vệ thành công năng suất lúa mà còn phải phấn đấu đạt năng suất cao hơn trong mùa vụ này”.
Hữu Thông