Dân Việt

Không phải trẻ nào cũng tiêm vaccin “5 trong 1”

04/06/2010 00:20 GMT+7
(Dân Việt) - Từ ngày 1-6, vaccin “5 trong 1” chính thức được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc. Vấn đề nhiều người quan tâm là những trẻ nào cần tiêm loại vaccin này?
img
Từ 1-6-2010 trẻ em được tiêm miễn phí vaccin “5 trong 1”.

Hiệu quả 90%

Vaccin "5 trong 1" DPT-VGB-Hib phòng các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Haemophilus Influenza typ B (Hib) đã chính thức được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc từ ngày 1-6. Vaccin này có tác dụng phòng nhiều bệnh và giảm được số lần tiêm cho trẻ. Đặc biệt, vaccin “5 trong 1” có tác dụng phòng Hib đã được rất nhiều phụ huynh quan tâm.

Hib là tác nhân hàng đầu gây viêm màng não cấp do vi khuẩn cho trẻ dưới 5 tuổi, chiếm từ 1/3 số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn trong nhóm tuổi này.

Theo PGS-TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, viêm màng não do vi khuẩn dễ gây tử vong cho trẻ nếu không được điều trị kháng sinh sớm. Ngay cả khi được xử trí đúng kháng sinh thì vẫn có từ 3 - 20% số trẻ mắc bệnh có thể tử vong. Thương tật vĩnh viễn với hậu quả là điếc, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động thường gặp đối với những trẻ mắc bệnh này.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, khoảng 1,9% tổng số trẻ dưới 5 tuổi ở VN có thể mắc viêm phổi và viêm màng não do Hib. Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm Hib gây ra 625 trường hợp viêm màng não, 107.565 trường hợp viêm phổi nặng. Năm 2000, tổng số các trường hợp mắc bệnh nặng do Hib trong số trẻ từ 1 - 59 tháng tuổi là 108.423 trường hợp, trong đó viêm màng não 625 trường hợp và viêm phổi nặng là 107.563 trường hợp.

Tổng số ca tử vong hàng năm do Hib gây ra khoảng 890 trường hợp. Theo đánh giá tháng 9-2006 về các bệnh do Hib gây ra thì hàng năm có từ 900 - 1.900 trường hợp viêm màng não và từ 4.400 - 9.574 trường hợp viêm phổi do Hib.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, trẻ nên được tiêm vaccin phòng Hib. Tính đến nay, đã có 73,5 triệu liều vaccin “5 trong 1” có tên Quinvaxem được cung cấp và sử dụng tại 34 nước. Nếu tiêm đúng cách, vaccin được bảo quản tốt thì hiệu quả bảo vệ lên đến 90%.

Không phải trẻ nào cũng tiêm “5 trong 1”

PGS-TS.Nguyễn Trần Hiển cho hay, trẻ em dưới 1 tuổi cần tiêm đủ 3 liều vaccin mới DPT-VGB-Hib, mỗi mũi cách nhau ít nhất 1 tháng, khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu liều vaccin DPT-VGB-Hib nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu.

Trong 2 năm đầu (2010-2011), Liên minh toàn cầu về vaccin và sinh phẩm GAVI sẽ hỗ trợ VN 37 triệu USD để duy trì tiêm vaccin “5 trong 1” trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Dự kiến đến năm 2015, GAVI tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Việt Nam, nhưng trong giai đoạn tiếp theo Việt Nam sẽ đảm nhận dần việc chi trả kinh phí.

Như vậy, với những trẻ không được tiêm vaccin VGB sơ sinh thì tổng số liều vaccin VGB trẻ được nhận sẽ là 3 liều và mỗi liều cách nhau ít nhất 1 tháng. Nếu trẻ được tiêm vaccin VGB sơ sinh thì trẻ sẽ nhận được 4 liều VGB.

Một số trẻ đã tiêm DPT mũi 1 hoặc DPT mũi 2 trước đó thì chỉ được tiêm 2 mũi (hoặc 1 mũi) vaccin DPT-VGB-Hib. Cần lưu ý, nếu trẻ được tiêm đầy đủ 3 mũi vaccin DPT thì tuyệt đối không tiêm vaccin “5 trong 1” nữa (nhưng vẫn đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ 3 mũi vaccin VGB).

Vẫn theo TS. Hiển, thực tế có rất ít chống chỉ định đối với vaccin DPT-VGB-Hib nhưng không tiêm vaccin này cho trẻ nếu có phản ứng nặng với liều tiêm trước hoặc có phản ứng nặng đối với tiêm vaccin DPT hoặc VGB. Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính. Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vaccin sẽ không hiệu quả do trẻ còn miễn dịch từ sữa mẹ.

Ông Hiển cũng cho biết: Không tiêm vaccin “5 trong 1” cho trẻ lớn hơn 5 tuổi và người lớn vì sẽ tăng phản ứng sau tiêm do thành phần ho gà toàn tế bào trong vaccin. Một lưu ý bắt buộc là trước khi tiêm chủng trẻ cần được khám, xem xét tiền sử bệnh tật.