Dân Việt

Viên chức yếu kém không thể giữ mãi biên chế

07/06/2010 07:11 GMT+7
(Dân Việt) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào - Phó trưởng khoa Đào tạo, bồi dưỡng công chức và tại chức Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi với NTNN xung quanh dự thảo Luật Viên chức.
img
 

Thưa ông, dự thảo Luật Viên chức đang hướng đến việc xã hội hoá quan hệ lao động giữa viên chức và đơn vị sử dụng lao động. Viên chức được ký hợp đồng lao động, được tuyển dụng và sa thải như các lao động ngoài cơ quan nhà nước. Ông đánh giá thế nào về định hướng này?

- Cùng với việc tách biệt công chức và viên chức, viên chức được hoạt động theo các thoả ước lao động là chúng ta đang hướng đến mục tiêu để viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập cũng chịu sự chi phối bởi hợp đồng lao động và người sử dụng lao động.

Hiện nay, rất nhiều đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính đã sa thải viên chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Trước đây, việc sa thải một người làm việc trong cơ quan nhà nước rất khó khăn; được gọi rất nặng nề là sa thải cán bộ.

Nhưng hiện nay, khi các quy định mang tính dân sự ngày càng nổi trội trong các giao dịch lao động, hợp đồng lao động thì viên chức dù được gọi là người nhà nước, được các cơ quan bổ nhiệm cũng không thể đứng ngoài xu hướng này.

Thưa ông, điều này sẽ tạo ra thay đổi gì trong đội ngũ viên chức, đặc biệt là về lương và thu nhập của họ?

- Theo tôi, trong khi chúng ta nới lỏng các hoạt động của viên chức thì cần nghĩ đến quyền lợi, chế độ đãi ngộ đối với công chức; giúp họ tham gia, gắn bó hơn với công tác quản lý nhà nước, không có hiện tượng chảy máu chất xám.

Thu nhập của viên chức phụ thuộc vào năng lực cá nhân và hiệu quả kinh tế của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý người đó. Vì vậy, so với các đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp tư nhân, lương và thu nhập của viên chức có thể cao hơn hoặc có thể thấp hơn.

Nếu Luật Viên chức có hiệu lực thì những viên chức được tuyển dụng từ năm 2003 trở về trước sẽ phải chuyển từ biên chế sang hợp đồng lao động không thời hạn. Việc này sẽ gây ra xáo trộn gì thưa ông?

- Chúng ta không nên quá lo lắng về việc này. Trước năm 2003, những viên chức được tuyển dụng đã được đóng bảo hiểm xã hội và sau này cũng sẽ được duy trì. Trong điều kiện hiện nay, với viên chức, không nên giữ khái niệm biên chế mà phải sử dụng khái niệm hợp đồng dài hạn, trung hạn ngắn hạn và thời vụ. Những người trước đây có biên chế nếu chuyển sang hợp đồng dài hạn phải chấp nhận và tuân thủ xu hướng chung.

Dự thảo luật quy định, nếu sau 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, viên chức có thể sẽ bị thủ trưởng đơn vị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Có nghĩa là khi luật này giao quyền cho thủ trưởng đơn vị nhiều như vậy, cơ hội mất việc của viên chức sẽ rất cao?

- Để sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động phải có quy trình chứ không hoàn toàn đơn giản. Đã đến lúc cần nhận thức rằng, viên chức phục vụ trong cơ quan nhà nước phải nỗ lực hết mình; năng lực kém thì hoàn toàn có thể bị sa thải. Không thể cứ làm việc yếu kém mà không bị sa thải, ôm khư khư cái biên chế nhà nước. Việc nâng cao quyền quyết định nhân sự cho thủ trưởng là đúng đắn nhằm tăng cường tính chủ động, năng động của đơn vị đó.

Thưa ông, dự thảo luật sẽ tạo cơ hội cho Việt kiều có điều kiện đứng vào đội ngũ viên chức. Đây là một bước đột phá nhưng với mức lương, chế độ đãi ngộ hiện nay e rằng khó có thể mời được họ vào làm việc?

- Trong việc này, không nên hiểu những Việt kiều vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ là để hưởng lương, mà là cơ hội cho họ có thể đóng góp cho đất nước. Đó là việc hết sức bình thường. Một khi họ có trình độ, sở thích, tự nguyện lao động thì chúng ta mời họ vào. Tuy nhiên, có nên gọi họ là viên chức hay không cũng đang là vấn đề cần tranh luận. Theo tôi, không nên gọi họ là viên chức mà gọi họ là lao động hợp đồng với đơn vị sự nghiệp công lập.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đào cho biết, trước đây, 2 khái niệm công chức và viên chức chưa được phân biệt, đến nay vẫn còn những ranh giới chưa được phân định rõ ràng.

Trong Luật Cán bộ công chức đã ban hành và dự thảo Luật Viên chức hiện nay phân biệt rạch ròi hai khái niệm này. Công chức là những người liên quan đến công quyền, quyền lực nhà nước như; Thủ trưởng các đơn vị của nhà nước, có thể thực hiện quyền quyết định trong các hoạt động của đơn vị.

Còn viên chức là những người làm trong bộ máy nhà nước nhưng ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Họ làm các công việc liên quan đến các dịch vụ công như giáo viên, bác sĩ, lái xe, nhà báo…

Viên chức được chia ra 2 loại: Viên chức thông thường và viên chức quản lý. Chẳng hạn, bác sĩ, giáo viên là viên chức; nhưng Phó khoa, Hiệu phó hay Phó Giám đốc bệnh viện, trường học… là viên chức quản lý.