Mảnh đất này của gia đình ông Minh được rao bán với giá khoảng 3,2 tỷ đồng. |
Phóng viên NTNN đã có mặt tại đây để tìm hiểu sự việc.
Trong vai người mua đất, chúng tôi được những người dân sống xung quanh Nông trường Việt - Mông nhiệt tình săn đón và "chào hàng" những diện tích đất khoán 50 năm mà nông trường giao cho họ. Thế nhưng đảm bảo cho những cuộc giao dịch tiền tỷ ấy chỉ là một mảnh giấy viết tay.
Giao dịch hàng tỷ đồng bằng giấy viết tay
Thấy chúng tôi dừng xe đứng chỉ trỏ dọc con đường chạy vào xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội), một thanh niên từ cửa hàng sửa xe máy bên đường lập tức phi ngay sang bắt chuyện. Qua vài lời "phi lộ", chúng tôi được biết anh thợ sửa xe tên Thông này có bố mẹ từng là công nhân Nông trường Việt - Mông. Gia đình anh có một mảnh đất được nông trường giao khoán ở khu vực Đảo Dài và đang muốn tìm người để bán.
Theo chân anh Thông về Đảo Dài, chúng tôi được ông Minh - bố đẻ anh Thông, cho xem Hợp đồng khoán đất trồng cây lâu năm theo NĐ01 của Chính phủ. Theo đó, hộ gia đình bà Doãn Thị Nguyên (vợ ông Minh) ở đội 4 được Nông trường Việt - Mông giao cho 2.824m2 ở thửa số 1 lô 35 tờ BĐGT 4 khu đất Đảo Dài kể từ ngày 10 - 8 - 2005. Thời hạn của hợp đồng là 50 năm.
Khi chúng tôi hỏi về thủ tục giấy tờ trong việc chuyển nhượng khu đất này, ông Minh cho biết: "Mọi giao dịch mua bán đều chỉ được ghi nhận bằng giấy viết tay. Hiện tại đất này là đất không ai quản lý nên cả Công ty cổ phần Việt - Mông và UBND xã Yên Bài đều không thể chứng nhận được".
Cùng với tờ giấy chuyển nhượng viết tay có chữ ký của 2 bên, ông Minh cho biết khách hàng sẽ được nhận đầy đủ hồ sơ của thửa đất mà Nông trường giao cho người dân gồm: 1 hợp đồng khoán đất trồng cây lâu năm theo NĐ01, 1 đơn xin nhận hợp đồng khoán sử dụng khai thác đất theo Nghị định 01, Trích lục bản đồ đất giao khoán, Biên bản bàn giao khoán đất cùng hợp đồng khoán, sổ thanh toán khoán hộ gia đình.
Thấy chúng tôi còn ngần ngại, ông Minh chém tay khẳng định: "Các anh nên mua mảnh đất này vì hiện tại giá đất ở đây chỉ vào khoảng 400.000 đồng/ m2. Hơn nữa, chậm nhất là cuối năm nay, toàn bộ diện tích đất của nông trường giao khoán cho dân từ trước sẽ được đưa về xã quản lý và tiến hành cấp sổ đỏ cho dân. Nếu đồ án quy hoạch Hà Nội được thực hiện thì những mảnh đất mà các anh chị đang nhìn thấy kia đều sẽ biến thành vàng".
Theo quan sát của chúng tôi, chỗ đất nông nghiệp ông Minh định bán gồm 2 mảnh đã chia cho 2 người con trai với giá trị lần lượt là 3, 2 tỷ và 3,8 tỷ.
Trên đường trở về nhà, ông Minh bảo: "Nếu các anh vừa ý mua đất của tôi thì tiện lợi nhất. Còn không ưng tôi sẽ đưa đi xem những miếng khác xung quanh đây. Đất của họ cũng đều là đất được nông trường giao khoán 50 năm và có đầy đủ các giấy tờ như các anh vừa xem. Có điều khi xong việc thì phải cho tôi mấy chục triệu tiền môi giới".
Lộn xộn việc quản lý
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Mễ - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết: "Năm 2009, việc mua bán bất động sản trên địa bàn xã Yên Bài rất ít. Năm nay so với năm ngoái nhiều hơn nhưng người bán và người mua không thông qua UBND xã mà tự chuyển nhượng bằng giấy viết tay. Lộn xộn nhất vẫn là ở khu vực đất của Nông trường Việt - Mông cũ. Khi nông trường giải thể, UBND xã mới chỉ được bàn giao quản lý 450 hộ dân, tương đương với 2.000 nhân khẩu chứ chưa được bàn giao quản lý đất đai mà công nhân của nông trường đang sinh sống, canh tác. Chính vì vậy, dù đã tạm đặt tên cho những cộng đồng dân cư mới là thôn Việt Yên và thôn Phú Yên nhưng thực tế suốt những năm qua, 2 thôn mới này vẫn chưa có quyết định thành lập và chưa được công nhận trên bản đồ hành chính. Chính vì chưa được quản lý đất nên UBND xã không thể xác nhận một trường hợp mua bán, chuyển nhượng nào liên quan đến đất của nông trường".
Ông Mễ cho biết thêm, trước tình hình người dân đua nhau rao bán đất khoán 50 năm của Nông trường Việt - Mông, UBND xã chỉ có thể tổ chức các buổi họp, tuyên truyền bà con phải có ý thức giữ gìn tư liệu sản xuất chứ không thể cấm đoán bà con được.
Bài 2: Bó tay với “việc đã rồi”
Nhóm phóng viên