Phụ nữ Bắc Yên (Sơn La) tham gia lớp đào tạo sản xuất nông nghiệp. |
Học theo nhu cầu thực tiễn
Tại Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La, khu vực trung tâm đào tạo lái xe từ hạng B1 đến hạng C đang có tới gần 100 thanh niên là người dân tộc đến từ các huyện: Sốp Cộp, Sông Mã, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai... tới học. Bên các tổ hàn, tiện, nguội của công ty cũng có hàng chục thanh niên khác mới theo học nghề.
Anh Lò Văn Tuấn, học viên lớp lái xe hạng B2 (ở xã Chiềng Sung, Mai Sơn, Sơn La), cho biết: 5 anh em trong bản chúng tôi cùng nhau đi học lái xe đợt này với hy vọng sau này sẽ lái xe taxi hoặc xe tải thuê để có việc làm ổn định, thu nhập tốt.
Tuy không có điều kiện chi tới hàng chục triệu đồng đi học lái xe nhưng anh Đinh Văn Lương (Phù Yên, Sơn La) lại có một hướng mở tương lai rất sáng sủa: “Tôi vừa đi học nghề hàn điện, hàn hơi. Cái nghề này của tôi được hỗ trợ học phí, đào tạo nhanh mà lại ít vốn đầu tư khi ra làm nghề. Bây giờ học nghề là phải sát với nhu cầu thực tiễn thì mới mong sớm làm ra đồng tiền, bát gạo”.
Cũng với ý nguyện "học nghề sát thực" như anh Lương nhưng ông Hà Văn Toàn ở xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La thì chỉ mơ ước: “Học được cái nghề trồng rau sạch và hoa tươi như mấy ông dưới xuôi lên đây thuê đất để làm ăn”. Hiện, ông Toàn đang tìm lớp để học nghề như mong muốn.
Đáp ứng ý nguyện
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Khiển - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Sơn La, nói: Nông dân vùng cao, vùng nhiều khó khăn cũng rất muốn được học nghề, đặc biệt là những nghề thiết thực như: Trồng cây ăn quả, thâm canh ngô, lúa; nuôi trồng thuỷ sản, gia súc, gia cầm hay những nghề dễ kiếm việc làm sau khi đào tạo như: Sửa chữa xe máy, cắt-may quần áo, mộc, nề... Tâm lý học viên sẽ thoải mái hơn nếu được đào tạo với thời gian hợp lý, nơi đào tạo gần nhà.
Hiện, các chương trình dạy nghề nông dân, và mới đây nhất là dạy nghề theo Quyết định 1956 đã giúp bà con thực hiện được mong muốn trên. Những lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư hay dạy nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm... bà con nông dân rất tích cực tham gia.
Với những chương trình đào tạo nghề có địa chỉ sau khi ra trường, như: Công nhân điện, lái xe, thợ nề, khoan, nổ mìn, thú y... thì được đánh giá là "số 1" vì thu nhập cao, ổn định hơn hẳn so với làm nông nghiệp đầu tắt mặt tối.
Tuy nhiên, chương trình dạy nghề nông dân thường đào tạo ngắn hạn, rất ít lao động như anh Lò Văn Tuấn “lo” được khoản tiền học lái xe hay những nghề dài hạn khác. Vì vậy, người dân mong muốn có cơ chế “cùng đóng góp” để học nghề dài hạn nếu nhà nước không hỗ trợ 100% học phí.
Kiều Thiện