Dân Việt

Thổ canh hốc đá

13/05/2013 11:11 GMT+7
(Dân Việt) - Khi đi vẽ nhiều ngày trên cao nguyên đá Hà Giang, tôi thấy trong bãi đá mênh mông có những cụm vài ba cây ngô phất phơ mọc như là hạt giống rơi vãi mọc lên. Nhưng không phải! Tất cả đều là được người gieo trồng cả.

Quan sát kỹ trên một khóm ngô thấy thân cây ngô thu được bắp. Dưới gốc có cây đậu tương lá xòa kín gốc, lại một gốc đậu đỏ leo bám vào thân ngô cho hạt. Chưa kể xen qua các kẽ đá có dây bí hoặc gốc dưa bò lan man, những trái nhỏ lăn lóc...

Ông Chu Thái Sơn - một người nghiên cứu lâu năm về dân tộc học cung cấp cho tôi một khái niệm về canh tác vùng đất này, gọi là “thổ canh hốc đá”. Người ta trồng như vậy để không may vào năm thời tiết không thuận, mất cái nọ thì còn có cái kia, không bị đẩy vào chân tường đói khát. Nghĩa là ở vùng đất canh tác khó khăn bậc nhất, người ta vẫn chủ động khai thác và biết như thế nào để tồn tại một cách cơ bản nhất.

Đó chính là một mô phỏng về sản phẩm rừng, bắt chước đời sống rừng, khai thác hai ba tầng thiên nhiên. Chỗ nhiều đất có thể trồng khoai, sắn lấy củ, ít đất hơn thì gốc dưa, gốc bí, khóm đậu tương, hạt đỗ cô ve, đỗ đỏ... vừa là tạo độ che phủ mát đất, vừa là tận dụng đất.

Nên chuyện mấy ông cán bộ đi đâu cũng nói như cha mẹ người ta rằng: “Trồng cây gì, nuôi con gì...” với ý muốn ban phát cách làm mới thì quả thật quá hoang đường!

Vâng, nếu không có kế sách gì hay hơn để tìm hướng khai thác thì lối canh tác nguyên thủy đó cho đến bây giờ vẫn là tối ưu với người dân trên đá. Họ cũng chẳng phải đòi hỏi gì cao xa hơn khi đất chỉ có hạn dành cho họ đủ bảo đảm lương thực ở mức tối thiểu nếu họ đã vắt sức ra.

Đó cũng là cách ứng xử với thiên nhiên cực kỳ thông minh mà người đồng bằng không dễ mà theo được. Hiểu như thế thì thấy là đất ta không thiếu, mà chỉ thiếu những cái đầu khoa học chăm chỉ.

Chỉ có cách xem người dân bao đời làm gì trên đất mà tồn tại thì sẽ tìm ra hướng đi cho đất trong thời kỳ phát triển mới.