Là chuyện thời nay, những năm đầu thế kỷ XXI, khi con người Việt Nam phải tự nhìn lại mình một cách gắt gao, phải tự kiểm tra hành trang vật chất và tinh thần của mình cho một cuộc đi dài tới văn minh, thịnh vượng. Là chuyện thời nay... nhưng còn là chuyện của hôm qua để lại. Và chuyện của ngày mai đang tới.
Chuyện thời chúng ta đang sống - đó là những chuyện thật, những sự thật, là những điều nói thật, nói thẳng. Nói vì nỗi thương lo đất nước: "Trước khi ra nước ngoài, tôi nghĩ rằng mình không yêu đất nước này. Đến khi đi ra nước ngoài, tôi thấu hiểu thế nào là đất nước. Đất nước tôi gầy như một người mẹ lam lũ còng lưng ngóng ra biển cả. Đất nước này không thể để cho những kẻ tham nhũng và những kẻ giả dối hoành hành" (Võ Thị Hảo).
"Phải tìm ra gốc của bệnh, nếu không dù có bàn nát nước cũng chỉ như đập vách xua chuột đàn mà thôi. “Thấy động chúng chui vào xó tối nhưng chỉ chờ yên ắng chúng lại ào ra đục khoét" (Tạ Duy Anh).
Nói vì nỗi xót xa cho dân: "Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã và đang thực hiện rất quyết liệt nhưng kết quả hãy còn khiêm tốn lắm. Một trong những nguyên nhân quan trọng là những câu hỏi, những nghi vấn của dân, kể cả trong cuộc họp, trên diễn đàn và dư luận đã không được quan tâm" (Duy Minh).
Nói vì khát vọng cho dân tộc: "Không nhanh nhạy và táo bạo nắm lấy thời cơ, thậm chí dám thông minh và sáng tạo nhằm tạo ra cơ hội để bứt phá vươn lên, sẽ phải trả giá cho sự lạc hậu và thậm chí lạc điệu trước tốc độ chuyển đổi quá nhanh. Gia tốc của cái mới dồn dập khó có thể hình dung nổi với cách suy nghĩ và nắm bắt hiện thực kiểu cũ" (Tương Lai).
Đó là những tiếng nói từ lương tâm và trách nhiệm của người công dân, của nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, của văn nghệ sĩ, nhà báo. Họ nói theo tinh thần nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã tuyên bố trên báo Tiếng Dân (10-8-1926): "Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng phải giữ được quyền không nói những điều người ta bắt mình nói".
Chuyện thời chúng ta đang sống là tên một cuốn sách tập hợp những bài viết đã đăng báo của nhiều người viết có tên tuổi, có thẩm quyền, và có chính kiến. Tôi đọc và nhớ lâu vì khi đề tài thời sự qua đi thì tinh thần câu chuyện vẫn còn đọng lại, vẫn khiến suy nghĩ. Chuyện thời chúng ta đang sống là chuyện hôm nay, nơi này. "Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn năm nào đấy nhỉ?".
Câu hỏi của Chế Lan Viên ngày trước ai cũng có thể trả lời: Mỗi thời đều đáng sống khi biết sống đúng với thời mình, đúng với hai tiếng con người của mình. Bởi vì "không ai chọn để được sinh ra" (Thanh Thảo).
Phạm Xuân Nguyên