Chiều 4.6, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Bộ GDĐT đã có họp báo tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2012. Theo thống kê, tỷ lệ vi phạm quy chế thi giảm mạnh, trái ngược với tình trạng phao thi tràn lan khắp các hội đồng thi được dư luận phản ánh những ngày qua.
"Phao thi" trắng đường đến Hội đồng thi THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) |
Theo Bộ GDĐT, trong 3 ngày thi, số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi trong cả nước là 34, giảm 11 trường hợp so với kỳ thi năm 2011; cả nước chỉ có 8 giám thị bị đình chỉ làm công tác thi. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định: “Tuy còn một số hạn chế thiếu sót nhưng nhìn chung kỳ thi đã được tổ chức đúng kế hoạch, diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế”.
Con số thí sinh bị đình chỉ thi năm nay chỉ 34 trường hợp, nếu so với con số khổng lồ năm 2007 là hơn 1.500 trường hợp, nhiều người cho rằng là điều rất bất thường. Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Kiên – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí Bộ GDĐT cho biết: “Chúng tôi quan tâm tới tất cả các hiện tượng liên quan đến dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhưng để xử lý được cần có bằng chứng chính xác. Chúng ta đang cố gắng để kỳ thi tốt nghiệp ngày càng nghiêm túc chứ không thể có được 100% sự nghiêm túc.
Quan điểm của tôi, năm nay "phao" hạn chế rất nhiều so với năm ngoái, thế là tiến bộ!”. Tuy nhiên, theo phản ánh thực tế tại nhiều hội đồng thi, những ngày qua hiện tượng thí sinh mang phao vào phòng thi rất phổ biến, nhiều sân trường “trắng phao” sau buổi thi. Điển hình như Hội đồng thi THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh, Nghệ An)…
Với việc vi phạm giảm mạnh với những con số khá hoàn hảo như năm nay, dư luận có thể đoán trước được tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2012 sẽ lên đến con số xấp xỉ 100%. Nhiều người đặt lại câu hỏi, có nên tiếp tục duy trì một kỳ thi tốn kém mà tỷ lệ năm nào cũng cao vút như thế không? Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GDĐT đang tiếp tục đổi mới giáo dục và đưa vào áp dụng nhiều hình thức đánh giá học sinh trong nhà trường không chỉ qua thi cử. “Đổi mới cần có lộ trình, ít nhất đến năm 2015 vẫn có thi tốt nghiệp. Mục đích thi không phải để đánh trượt thí sinh, nếu đánh giá hiệu quả kỳ thi qua việc bao nhiêu thí sinh trượt thì không đúng, mà phải đánh giá về kết quả năm nay so với năm trước”- ông Hiển nói.
Nguyễn Thiêm