Trước tiên, đúng chủng loại là ta phải phân biệt được phân cần sử dụng là loại phân nào? Hữu cơ hay vô cơ? Loại lỏng hay loại bột (hoặc dạng rắn khác)? Phân bón rễ hay phân bón lá? Phân đơn hay phân đa lượng? Không thể sử dụng phân bón rễ để hòa nước rồi phun xịt như phân bón lá vì hiệu quả sẽ thấp hoặc có khi gây cháy lá. Cũng không thể sử dụng phân bón lá để bón rễ vì giá thành cao sẽ giảm lợi nhuận.
Bón phân bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” vừa giúp tăng năng suất, vừa giảm chi phí |
Trong lĩnh vực hóa học, các nhà khoa học đã khẳng định: "Không có chất nào bổ, không có chất nào độc mà chỉ có liều lượng bổ và liều lượng độc". Như vậy, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đúng liều lượng. Với cùng một chất (hay là một loại phân), nếu đúng liều thì là chất bổ, quá liều lại trở thành chất độc cho cây. Vì vậy, khi người nông dân muốn bón tăng lượng một loại phân bón với hy vọng năng suất sẽ tăng. Nhưng do chưa hiểu hết nguyên tắc “4 đúng” nên khi tăng phân bón thì thấy năng suất không những không tăng mà sâu bệnh hại xuất hiện nhiều hơn.
Chúng ta đã biết ở mỗi một độ tuổi và giai đoạn thì nhu cầu về thành phần, tỷ lệ các chất dinh dưỡng của cây cũng khác nhau. Chính vì thế, xác định đúng thời kỳ là xác định đúng nhu cầu dinh dưỡng của cây. Bón sai thời kỳ không tăng năng suất mà còn có nguy cơ suy giảm do không đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng tối thích cho giai đoạn đó của cây trồng, thậm chí còn tăng sâu bệnh.
Cuối cùng, bón phân phải đúng cách, tức là bón đúng kỹ thuật. Tùy theo từng chủng loại cây và loại phân để lựa chọn quy cách bón cho phù hợp nhằm khai thác triệt để hiệu quả của loại phân đó. Phải nắm vững kỹ thuật bón, phun xịt phân dựa trên các dụng cụ, trang thiết bị, điều kiện thời tiết khí hậu và mức độ đầu tư. Đặc biệt phải dựa vào tính chất đất nếu là phân bón rễ. Ví dụ: Nếu bón phân cho cây lâu năm có bồn thì bón theo bồn, sau đó xới nhẹ để khi có nước, phân sẽ hòa tan và hấp thu ngay vào đất tránh thất thoát. Nếu không có bồn thì bón phân theo hình chiếu tán lá và đào rãnh.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa