Dân Việt

Tôn vinh nghệ nhân - Đã và sẽ có hành động gì?

23/03/2013 12:04 GMT+7
Dân Việt - Không phải đến khi có dự thảo về việc xét tặng danh hiệu, việc tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân mới được đưa ra, mà đó đã là chủ đề lớn lâu nay.

Và cũng chưa hẳn sau khi dự thảo trở thành Nghị định, được chính thức ban hành và triển khai, thì việc tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân sẽ được cải thiện đáng kể. Trên tinh thần chung của chủ trương, chính sách, một địa phương giàu di sản và đông đảo những người giữ gìn di sản như Hà Nội, cần chuẩn bị những gì?

img
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Nguyện (Đa Sỹ, Hà Đông, Hà Nội) là một trong những người hiếm hoi suốt hơn 20 năm qua miệt mài với nghề làm rồng

Ngành văn hóa vừa hoàn thành dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Dự thảo như đám mây treo lơ lửng phía trên mảnh đất khô hạn nhiều năm với những mòn mỏi trông đợi, những nhiệt tình thắp lửa và cả những âm thầm khó khăn, thiếu thốn của các nghệ nhân. Tất nhiên, “đám mây” ấy vẫn còn lơ lửng vì dự thảo vừa mới công bố để tiếp nhận những góp ý, bổ sung. Và với tiến độ nhiều năm dự định nhưng chưa thành của ngành văn hóa trong việc tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân thì chờ đến khi “mưa xuống thật”, chắc còn phải lâu lâu nữa.

Mỗi địa phương có những di sản, không gian văn hóa đặc trưng, theo đó cũng có những nghệ nhân tài hoa của mỗi vùng miền. Hà Nội, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa với mật độ lễ hội dày đặc, nhiều bộ môn diễn xướng độc đáo như ca trù, hát xẩm, hát chèo tàu, hát dô, múa rối nước, rối cạn, hò cửa đình…, cũng chính là nơi có nhiều bậc trung niên, cao niên đã nhiều năm lặn lội giữ nghề, truyền nghề. Nếu căn cứ vào các lĩnh vực được nêu ra trong dự thảo gồm “Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian”, thì có thể thấy, Hà Nội giàu “tiềm năng nghệ nhân” để giới thiệu và tôn vinh.

Nhưng khi mà dự thảo chưa chính thức thành Nghị định, Nghị định chưa được hiện thực hóa, việc triển khai xét tặng danh hiệu chưa diễn ra thì ngành văn hóa và các ngành chức năng khác của thủ đô có nên ngồi chờ?

Bản thân dự thảo vẫn còn những bất cập, cần được nhanh chóng bổ sung để mức độ “chu đáo” của Nghị định mai kia được vẹn tròn hơn. Và mỗi địa phương, như Hà Nội, cũng cần tính toán trước cho tiến trình tôn vinh các nghệ nhân của địa phương mình. Ví dụ, không hiểu vì lý do gì, dự thảo không nhắc đến lĩnh vực nghề truyền thống, trong khi Hà Nội có hàng trăm nghề độc đáo với nhiều nghệ nhân tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, bí quyết. Nhiều địa phương khác cũng có những nghề và nghệ nhân giỏi của mình. Những người soạn dự thảo cần sớm bổ sung lĩnh vực này.

img
Những người âm thầm, tự thân giữ lửa ca trù như NSƯT ca nương Phó Thị Kim Đức – Hà Nội, tới đây sẽ được hỗ trợ những gì cho hành trình bền bỉ của mình

Cũng như vậy, dự thảo nhắc đến việc đãi ngộ nghệ nhân sau khi được phong tặng danh hiệu bằng chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp sinh hoạt hàng tháng với người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Đây vốn là mong đợi của nhiều người. Qua liên hoan ca trù Hà Nội gần đây, dự định của ngành văn hóa về bảo hiểm, khám chữa bệnh cho nghệ nhân cũng đã được đưa ra, có điều là vẫn dừng lại ở đó. Tuy nhiên mai kia nếu hiện thực hóa, như vậy liệu đã đủ? Việc đãi ngộ ý nghĩa, lâu dài và bền vững, chính là giúp cho tri thức, kỹ năng của các nghệ nhân được lan tỏa, được giới thiệu thông qua các chương trình truyền nghề, dự án quảng bá, giao lưu văn hóa. Nhất là trong bối cảnh di sản văn hóa có phần bị lấn át bởi văn hóa nghệ thuật hiện đại và các phương tiện nghe nhìn, công cuộc gìn giữ, phát huy vốn cổ gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí tổ chức, thực hiện, thiếu chế độ thù lao, bồi dưỡng, thiếu mối quan tâm của giới trẻ. Ngành văn hóa thủ đô liệu sẽ có những ý tưởng, chương trình, kế hoạch khả thi nào cho các nghệ nhân truyền giữ, lan tỏa được tinh hoa của mình?

Dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều điểm khác cần hoàn chỉnh hơn, như việc cần giúp đỡ nghệ nhân lo hồ sơ xét tặng danh hiệu, việc không nên kéo dài thời gian xét tặng từ năm này sang năm khác, việc tăng cường đội ngũ chuyên gia và tiếng nói chuyên môn trong các hội đồng xét tặng danh hiệu… Cần hoàn chỉnh sớm, tránh kéo dài quãng thời gian đưa Nghị định vào phát huy hiệu lực. Và cũng như vậy, các nghệ nhân khó lòng đợi chờ được lâu với điều kiện sống, tuổi tác, sức khỏe, sự minh mẫn và kể cả lòng nhiệt tình cũng có hạn. Ngành văn hóa Hà Nội và các ngành chức năng đã, đang chuẩn bị gì cho các nghệ nhân, và các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong tương lai của mình?