Đi trên bất kì đường phố nào của Hà Nội cũng như các thành phố, thị trấn, thị xã trong cả nước, thậm chí đến cả không ít các vùng nông thôn cũng thấy các điểm dịch vụ, vui chơi, giải trí chính thức hay trá hình như karaoke, mát xa, nhà nghỉ... phát triển đến độ dường như không kìm nổi. Không ít nơi đã hình thành phố nhà nghỉ, phố mát xa, cắt tóc, gội đầu thư giãn.
Trong khi đó các điểm vui chơi, giải trí dành cho con trẻ thì ngày càng bị thu hẹp, mất đi bởi sự lấn chiếm của các dịch vụ dành cho người lớn như buôn bán, trông xe, hàng quán. Ở Hà Nội từ hơn chục năm trở lại đây gần như không có một địa điểm vui chơi cấp thành phố nào được xây dựng. Đó là chưa kể không ít địa điểm dành cho các cháu lại bị co hẹp lại.
Cả thành phố có gần 2.200 trung tâm vui chơi cấp phường dành cho trẻ em thì trong đó 36% đang xuống cấp trầm trọng. Hình ảnh điển hình nhất cho các trung tâm vui chơi này là chiếc đu quay han gỉ, cầu bập bênh long ốc, cầu trượt xi măng lở tróc, đầy rác cùng mấy quán cóc chè chén bình dân dành cho người lớn…
Chính vì thế nỗi lo của đông đảo phụ huynh là trong mùa nghỉ hè này sẽ quản lý con mình ra sao ? Chúng sẽ được sinh hoạt ở đâu. Hầu hết các địa điểm sinh hoạt hè có tiếng của Hà Nội như Cung Thiếu nhi, Trường thể thao 10-10… ngày thường đã quá tải đến mỗi dịp hè lại càng căng thẳng vì lượng phụ huynh gửi đơn và xếp hàng từ sáng sớm như xếp hàng mua gạo thời bao cấp.
Ở các khu đô thị mới, việc xây dựng địa điểm chơi cho thiếu nhi ngày thường cũng như trong các dịp hè cũng không hơn như ở các khu tập thể cũ. Hè phố ở các khu này có thể to hơn nhưng chủ yếu lại dành cho dịch vụ gửi xe hơi, xe máy, bán quán…
Tình trạng thiếu chỗ chơi cho trẻ trong dịp hè ở vùng nông thôn, các huyện ngoại thành Hà Nội cũng không hơn gì. Chính vì thế, hè đến, các dịch vụ thuê truyện tranh, chơi game trong thành phố càng đông khách. Việc trẻ em tự động rủ nhau đi tắm, đi tìm những nơi có thể thỏa mãn đôi chút thú vui con trẻ trở thành phổ biến… đã tạo nên những tiềm ẩn hậu họa về sự say game thái quá, những tai nạn thương tâm vì chết đuối, giao thông.
Nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển nhưng nhu cầu vui chơi cho trẻ em cũng cần được nhà nước quan tâm hơn để thế hệ tương lai của chúng ta được nuôi, dạy đúng như chúng ta mong muốn.
Bách Thành