Dân Việt

Cà phê rụng, tiêu... tàn

10/06/2010 14:41 GMT+7
(NTNN) - Hàng chục ha cà phê mất trắng, hàng chục ngàn trụ tiêu chết dần, hàng trăm nông dân tại nhiều xã trên địa bàn huyện Krông Nô, Đăk Nông đang đối diện với một năm thiếu thốn trăm bề.
img
Hạn hán khiến người trồng cà phê ở Krông Nô gặp nhiều khó khăn.

Mất trắng

Những ngày này về huyện Krông Nô, đâu đâu cũng thấy người dân thở than về vườn cây của mình, dù nhờ những cơn mưa đầu mùa, cà phê cũng bắt đầu hồi phục. Suốt những tháng nắng hạn vừa qua, hầu như ở bất cứ xã nào của huyện cũng thiếu nước tưới. Cái hạn cùng với cái nắng như thiêu đốt khiến hàng chục ha cà phê ở đây trở nên điêu tàn đến xót xa.

Những vườn cà phê dọc thị trấn Đăk Mâm, xã Đăk Rô, Nam Xuân, Tân Thành… hầu hết đều không cho quả. Ông Trần Hữu Hòa (thôn Đăk Ha, thị trấn Đăk Mâm) cho biết: Nhà ông có 2ha cà phê, trong đó có 1ha đang kinh doanh và 1ha đã hơn 3 năm tuổi. Không thể giữ cả 2, ông Hòa đành bỏ vườn cà phê nhỏ để dồn nước cứu vườn cà phê lớn với hy vọng vớt vát lại chút ít. Kết quả là một vườn thì cháy khô, một vườn rụng sạch trái.

Đủ sức chống chọi với cái hạn nhưng cây tiêu của người dân huyện Krông Nô lại không thể chống chọi được với bệnh tật. Dọc từ các xã Đăk Sô, Nam Đà, thị trấn Đăk Mâm, Đăk Sô… đi đến đâu cũng thấy những vườn tiêu… xám xịt. Với cây tiêu khi đã bắt đầu thấy được hiện tượng chết cũng có nghĩa là “hết thuốc chữa”. Tiêu chết trụi mà nguyên nhân bệnh vẫn chưa biết...

Ngành nông nghiệp… ngoài cuộc

Đã hơn một tháng qua, nông dân Krông Nô phải “oằn mình” để cứu cà phê, tiêu của mình. Thế nhưng, theo một cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp của phòng Nông nghiệp huyện, chỉ có cà phê ở xã Đăk Rồ bị chết do hạn, còn các xã khác không ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi thì số cà phê bị chết ở ngay thị trấn Đăk Mâm còn lớn hơn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Quốc- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Nô cho biết: “Hiện chưa có số liệu cụ thể về diện tích cây trồng chết. Vậy nên huyện cũng chưa có biện pháp gì để giúp người dân chống hạn. Chúng tôi đang chờ báo cáo từ xã để có biện pháp…”. Cứ như ông Quốc thì khi ngành nông nghiệp huyện “ra tay” có lẽ chẳng còn gì để…“có biện pháp”.

Có lẽ mấu chốt vấn đề là từ đây. Bởi trên thực tế rất nhiều diện tích cà phê của người dân được trồng ồ ạt trong vùng thiếu nguồn nước tưới phải chăng nguyên nhân xuất phát từ sự thờ ơ của cơ quan chuyên môn?