Dân Việt

Dửng dưng với cá tra

11/06/2010 11:00 GMT+7
(NTNN) - Dù giá cá tra liên tục tăng và đang ổn định ở mức khá cao, trên 16.000 đồng/kg, nông dân ĐBSCL vẫn tỏ ra dửng dưng với việc quay trở lại khôi phục ao nuôi...
 img
Giá cá tra tăng cao nhưng nhiều hộ dân ở ĐBSCL không còn mặn mà với nghề.

Ông Trần Văn Ngãi (54 tuổi) ngụ xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, Hậu Giang, cho biết: Từ năm 2009 đến nay, ông đã bỏ nuôi cá tra, chuyển hết 3ha ao sang nuôi cá rô đầu vuông và nuôi cá lóc trên ruộng lúa. Ông Ngãi khẳng định: “Cá lóc và cá rô nuôi hơi cực một chút, nhưng bù lại không cần vay ngân hàng đầu tư tiền tỷ, thu hồi vốn nhanh và nếu giá rớt quá cũng chỉ lỗ chút ít so với sạt nghiệp như nuôi cá tra…”.

Ông Lê Thanh Vân, một nông dân ở ấp Măng Cá, xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy), nói: “Thua con cá tra te tua liên tiếp mấy vụ, lỗ cả mấy trăm triệu đồng chứ ít đâu?! Cuối năm rồi tôi mới quyết định xây thêm chuồng heo rồi thả cá sặc rằn trên phân nửa diện tích. Như vậy mới an tâm nuôi kèm gần 3.000m2 cá tra... Lỡ giá cá rớt quá, lỗ cái này mình có cái khác bù lại!”.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, từ hơn 13.000ha cá tra năm 2007 (cao nhất cả nước), đến nay diện tích nuôi của toàn tỉnh này chỉ còn chưa đến 10.000ha (giảm hơn 30%). Còn tại các vùng mạnh về phong trào cá tra của các tỉnh: Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng… con số giảm diện tích đã lên đến từ 40-50% trong vòng 2 năm qua.

Nhiều hộ dân ở Châu Phú, Châu Đốc (An Giang) và Hồng Ngự, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng cho NTNN biết, với giá cá tra bấp bênh như hiện nay, dù có leo lên 17.000 đồng/kg được vài ngày thì cũng rớt xuống 14.000 đồng/kg ngay sau đó. May mắn cũng có hộ lãi cả trăm triệu đồng sau vài tháng nuôi, nhưng đa số chỉ phá huề hoặc lỗ vốn vì giá rớt thê thảm…

Anh Nguyễn Thành Nhựt, một người nuôi cá hơn 10 năm kinh nghiệm ở Sa Đéc, nói: “Nông dân thực chất không tài nào nắm bắt được “quy luật” giá lên xuống này, toàn là mấy ông nhà máy thao túng. Lúc nào ổng cần mua thì nâng giá lên, lúc nào mình thu hoạch rộ, ổng biết nông dân cần bán gấp, thế là cho hạ giá xuống. Thiệt tình nhiều nông dân tụi tui hết dám… phiêu lưu cùng cá tra!”.

Khảo sát hơn 50 hộ nuôi cá tra truyền thống nhiều năm ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), đã có hơn 20 hộ cho biết hiện diện tích ao nuôi của họ đã giảm còn một nửa so với năm 2008. Hơn 10 hộ đã “treo” hẳn ao nuôi hoặc bán luôn đất đai vì thua lỗ những vụ trước. Gần 20 hộ khác bỏ cá tra chuyển sang nuôi đối tượng khác hoặc lấp ao làm vườn…

Cùng xu hướng này là nhiều hộ nuôi ở Sóc Trăng lý giải vấn đề chuyển đổi này, ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nói: “Các đối tượng nuôi khác có nhiều ưu thế hơn: Dễ tìm nguồn giống có chất lượng tốt, giá rẻ, ít tốn kém thức ăn… Các đối tượng cá đồng dễ nuôi do phù hợp với đa dạng nguồn nước và môi trường, nuôi mau lớn, ít dịch bệnh, nhu cầu luôn cao và gần như không bao giờ rớt giá dẫn đến thua lỗ…”.