Một lớp tập huấn dạy nghề nông dân ở Thái Nguyên. |
Ông Nguyễn Hải Khê - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề nông dân Thái Nguyên cho biết: “Nhiều nông dân có tâm lý học không mất tiền thì chất lượng sẽ không đi đến đâu, nhưng vẫn đi học để được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước, không xác định được tầm quan trọng của việc tham gia học nghề”.
Trên địa bàn Thái Nguyên, ngoài người Kinh còn có 7 dân tộc thiểu số là Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Mông với khoảng 20 vạn dân. Những suy nghĩ sai lầm của một số nông dân về dạy nghề miễn phí khiến việc tuyên truyền về Quyết định 1956 và việc vận động, tuyển học viên gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ khó khăn đó, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức các lớp học gắn với giải quyết việc làm, vừa mời những nông dân đã học nghề thành công vào cuộc để tuyên truyền.
Ông Vũ Đình Hà (Đại Từ, Thái Nguyên) nói: “Ngày mới bắt đầu tham gia khóa học chế biến chè, tôi cứ băn khoăn là học đã không mất tiền lại còn được nhận tiền thì chất lượng có được đảm bảo hay không? Được sự hướng dẫn nhiệt tình của các giáo viên, những suy nghĩ của tôi đã dần dần được thay đổi”.
Từ chỗ không tin tưởng vào chất lượng đào tạo của các lớp dạy nghề, ông Hà trở thành một trong những nông dân tích cực tham gia vào việc tuyên truyền về Quyết định 1956, vận động những hộ nghèo, những gia đình chính sách… tham gia đăng ký học nghề.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Khê, việc tuyên truyền chỉ giúp học viên đến lớp, điều quan trọng nhất là phải tìm được đầu ra cho nông dân đã được đào tạo nghề. “Đó chính là cách tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất”- ông Khê bày tỏ.
Công Trình