Chiến sĩ Đồn biên phòng 649 trổ tài cắt tóc. Phan Chung |
Hết lo thành người rừng
Thứ 7 hàng tuần, cán bộ chiến sĩ của Đồn, những thầy giáo cắm bản và hàng chục đồng bào Cơtu trong xã tìm về căn lều lợp bằng lá rừng, dựng bên đường, có tên là Quán cắt tóc thứ 7, để “làm mới” đầu tóc của mình. Sỡ dĩ quán có tên như vậy vì để hưởng ứng Chương trình “ngày thứ 7 tình nguyện” do Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam phát động.
Nhiều trẻ em đồng bào đi học về là chạy ù tới quán. “Từ khi được cắt tóc ở đây, em không còn bị chấy cắn nữa!” - em Alăng Rhú cho biết. Ban đầu còn dè dặt, sau các em mạnh dạn, yêu cầu cắt kiểu này, kiểu kia làm mấy “anh thợ” biên phòng lúng túng. “Người Cơtu mang tính cộng đồng cao, đi cắt tóc cũng đi theo đoàn, tụi em thay nhau cắt mỏi tay mới đáp ứng nổi”- binh nhất Alăng Kroi, một “thợ” cắt tóc Cơtu, vui vẻ kể.
“Trên này không có quán cắt tóc, mùa mưa mình ở đây đến 6 tháng mới về đồng bằng, nếu không có cây kéo của các anh biên phòng, chắc mình thành người rừng quá” - thầy Nguyễn Văn Hưng, giáo viên Trường THCS bán trú Lý Tự Trọng, phủi những sợi tóc đang bám trên người, tâm sự. Gần 40 giáo viên nam lên xã Axan dạy học luôn chọn Quán cắt tóc thứ 7 làm điểm đến hàng tuần. Họ vui vì sự nhiệt tình của các chiến sĩ, sung sướng vì có được mái tóc như ý muốn.
Hơn 10 “cây kéo vàng”
“Khách” ghé quán nhiều nhất là đồng bào dân tộc. “Mục đích của chúng tôi khi thành lập điểm cắt tóc này là phục vụ bà con vùng biên, đặc biệt là các em học sinh”- Trung uý Võ Hồng Tuyến, cán bộ Vận động quần chúng Đồn 649 và là người sáng lập quán, cho biết. Có hơn chục chiến sĩ trong đơn vị tình nguyện làm “cây kéo vàng”. Cứ thứ 7 lại thay nhau hì hục cắt tỉa từ lúc sáng sớm cho tới chiều muộn.
Cũng có hôm “khách” quá đông, quán mở luôn cả ngày Chủ nhật. “Thấy các em nhỏ vừa bước ra khỏi quán là nhảy cẫng lên vì sung sướng, chúng tôi rất vui và không cho phép mình sơ sài, cẩu thả trong công việc này”- binh nhất Alăng Ngôn vừa cắt tóc vừa tâm sự. Để trở thành những “cây kéo vàng” thực sự, những chiến sĩ mới tình nguyện tham gia cũng phải học nghề cả tháng trời, từng người thay nhau thể hiện tài năng và cũng không ngừng gửi gắm những tình cảm, sự thân thiện đối với bà con vùng biên.
Dù khá bận rộn với nhiệm vụ của đơn vị giao cho nhưng những “cây kéo vàng” vẫn tranh thủ mọi giờ giấc để đáp ứng nhu cầu của bà con. Bỏ qua một giấc ngủ trưa để kịp làm mới cho vài người đến cắt tóc, thậm chí phải thắp đèn dầu để cắt tóc khi màn đêm buông xuống. Mệt mỏi nhưng lúc nào cũng thấy các anh “thợ” biên phòng luôn tươi cười.
Phan Chung