Dân Việt

Quy hoạch phát triển TP.HCM đến 2025 còn nhiều băn khoăn

13/05/2013 14:53 GMT+7
Dân Việt - Sáng 13.5, dù Hội đồng nhân dân TP.HCM đã ra nghị quyết, thông qua đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của UBND TP.HCM chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn về nội dung của đề án này.

Báo cáo tại kỳ họp thứ 9 lần này về đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn năm 2005, phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết đề án có 6 nội dung chính trình HĐND TP.HCM xem xét, quyết định.

Đặc biệt có 5 quan điểm lập quy hoạch nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hướng đến mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thảo thuận, các đại biểu băn khoăn về tính khả thi của một số nội dung của đề án.

 img
 Các đại biểu nhất trí thông qua đề án quy hoạch tổng thể phát triển TP.HCM đến năm 2025

Đại biểu Từ Minh Thiện cho rằng, thông tin phổ biến quy hoạch tại các quận huyện có sự khác nhau, đề nghị có sự quản lý chặt chẽ đồng thời làm sao để việc lồng ghép quy hoạch các xã nông thôn mới với quy hoạch chung của thành phố nên khớp nhau.

ĐB Thiện thắc mắc: "Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2020 nhưng lại không thấy ngành công nghiệp sáng tạo, chưa thể hiện thu nhập của người dân thành phố, mức tăng trưởng và khoảng cách giữa thành phố và các nước phát triển có rút ngắn được hay không?"

Trong khi đó, đại biểu Lâm Thiếu Quân băn khoăn về việc đề án đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 10 – 10,5% là cực kỳ khó, đề nghị cân nhắc hơn. Quy hoạch đề ra nhưng chưa thấy khoảng chi ngân sách lấy từ đâu trong khi khoảng chi cho đầu tư tăng 100% từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể, "khoản chi từ ngân sách nhà nước từ 155 ngàn tỷ đồng (giai đoạn 2011 đến 2015) tăng vọt lên 300 ngàn tỷ đồng (năm 2015 – 2020), như vậy lấy nguồn đâu ra để chi?".

Ông Thái Văn Rê – giám đốc Sở KHĐT TP.HCM – khẳng định căn cứ theo mức tăng trưởng các năm của thành phố, mức tăng trưởng GDP đề ra như đề án là khả quan, còn nguồn vốn để chi cho các khoản đầu tư từ ngân sách và cả nguồn vốn huy động bên ngoài.

ĐB Lâm Thiếu Quân cũng cho rằng, về quy hoạch hệ thống vận tải hàng không đến năm 2020 nâng cấp hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất e rằng không kịp. ĐB Trần Trọng Dũng cho rằng, đề án này được lập mà không có sự tham vấn từ cộng đồng, chỉ lấy ý kiến của chuyên gia và đại biểu HĐND trong khi quá trình lập, các ban của HĐND cũng không được tham vấn.

Ông Trần Trọng Dũng đề nghị xem xét tính khả thi trong vấn đề cấp nước sách, đặc biệt là khu vực nông thôn. Đề án quy hoạch phấn đấu đến năm 2020 thì 100% người dân thành phố có nước sạch trong khi hiện lượng nước vá chất lượng nước cung cấp cho địa bàn quận 8 chưa đảm bảo.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – chủ tịch HĐND TP.HCM – bức xúc đề nghị những người làm quy hoạch giải thích cho rõ vì sao đến năm 2020, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch là 100% trong khi người dân ở ngoại thành thì ghi là “dân nông thôn” và tỷ lệ là 100% được cấp nước “hợp vệ sinh”, có phải là phân biệt người dân ở nông thôn chỉ được dùng nước hợp vệ sinh thôi?

Ông Nguyễn Trọng Hòa – Viện trưởng Viện nghiên cứu TP.HCM, đơn vị tham gia nghiên cứu lập đề án – xin lỗi người dân nông thôn vì từ ngữ ghi thiếu chính xác đồng thời cho biết rất khó có thể đảm bảo cung cấp 100% nước sạch cho khu vực nông thôn vì đa số người dân không sống tập trung.

Ông Hòa cho biết đến năm 2020 chỉ có thể phấn đấu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn có người dân sống tập trung còn các vùng sâu, vùng xa thì chỉ có 98% được cấp nước hợp vệ sinh. Điều các đại biểu băn khoăn là thành phố đang cấm người dân khai thác nước ngầm (đào giếng nước) thì khu vực nông thôn không được cấp nước sạch thì lấy đâu ra nước để đảm bảo cuộc sống cho dân.