Gặp em Đ. (quê Hưng Yên) trong những ngày hè nóng nực, ánh mắt em ngơ ngác, mặt em lầm lì lấm tấm những giọt mồ hôi, em quay mặt đi không nói chuyện với chúng tôi.
Những lúc tỉnh, em Đ. trở nên lầm lì, ít nói |
Cả hai bố mẹ đều là giáo viên cấp ba. Em là con trai lớn, là nơi bố mẹ gửi gắm nhiều hi vọng.
"Tôi ân hận lắm, giá như tôi cứ để cháu học lớp thường, vừa sức học của cháu, thì chẳng nên nông nỗi này..." - mẹ em Đ. tâm sự trong nước mắt. Hồi đó, cháu đã xin tôi là để cháu học lớp thường nhưng vợ chồng tôi nhất quyết không đồng ý và còn dọa cháu: Hoặc là học lớp chọn, hoặc là ra trường bán công học!
Với bản tính ham chơi, sức học có hạn nên ngay khi vào lớp, Đ. đã bị các bạn trong lớp bỏ xa. Em thường xuyên bị các bạn ác ý chê thẳng trước mặt: "Là con giáo viên nên mới được học lớp chọn đấy. Nhưng mà làm mất hình ảnh của lớp quá!"
Thay vì phấn đấu học hành, em trở nên chán nản. Khi không theo được các bạn trong lớp, em cảm thấy xấu hổ, ngày càng trở nên lầm lì, không giao tiếp với ai. Khoác cái mác “con giáo viên", em càng trở nên căng thẳng mỗi giờ học.
Thế nhưng, thấy con học không như ý của mình, bố mẹ em càng ép em học hơn, học ngày, học đêm còn đi học thêm bên ngoài.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Tâm thần nam và Nghiện chất của Viện cho biết, Đ. bị rối loạn tâm thần vì học. Những trường hợp như Đ. cần phải điều trị tại viện khoảng 3 tháng.