Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói chỉ quản lý rừng, còn đất rừng do Bộ TN&MT chịu trách nhiệm. |
Ông đánh giá thế nào về những câu trả lời xung quanh việc cho người nước ngoài thuê rừng của các thành viên Chính phủ trong các phiên chất vấn tại Quốc hội vừa qua?
- Ngoại trừ Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc có thái độ dứt khoát là rút một số dự án cho người nước ngoài thuê rừng; còn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát và Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đều cho rằng các địa phương cho nước ngoài thuê rừng là đúng luật. Nếu đúng luật thì rõ ràng không thể thu hồi được.
Sự thực là có những vấn đề không đúng luật. Muốn triển khai một dự án, đầu tiên phải đánh giá tác động môi trường, tác động xã hội rồi mới tiến hành giao đất được. Việc cho thuê rừng phải chịu sự chi phối của rất nhiều luật. Chưa rà soát, đối chiếu với pháp luật thì không thể nói là đúng được.
Hơn nữa, không có luật nào cho phép cho thuê rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ biên giới. Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình nói rất rõ trên hội trường là những dự án liên quan đến an ninh quốc phòng phải xin ý kiến của Quốc hội. Tổng số diện tích lên đến 400.000ha, trong đó có dự án lên đến vài chục nghìn ha là một con số rất lớn.
Vậy ông có tin rằng việc này sẽ được giải quyết một cách rốt ráo?
- Các phiên chất vấn sẽ là một áp lực rất lớn để thúc đẩy Chính phủ giải quyết vấn đề này đầy đủ. Tuy nhiên, rất khó có thể giải quyết dứt điểm như mong muốn được mà phải giải quyết trong một thời gian dài. Cái quan trọng nhất là qua việc này, chúng ta rút ra được nhiều bài học để triển khai các dự án khác; không chỉ trong việc cho người nước ngoài mà cả người trong nước thuê rừng nữa.
Cụ thể là, trước khi cho thuê rừng phải xem xét có ảnh hưởng đến đồng bào sinh sống trên đó, đến đa dạng sinh học, định giá trữ lượng gỗ… Rồi vấn đề quản lý nhà nước về rừng cũng cần phải thay đổi. Bộ NN&PTNT nói chỉ quản lý rừng chứ không quản lý đất là việc của Bộ NN&PTNT mà rừng lại mọc trên đất. Vậy, vì sao rừng lại được giao cho 2 chủ thể quản lý như vậy? Một điều nữa là quy trình chúng ta giao rừng không rõ ràng, không quy trách nhiệm cho ai nên có thể rừng sẽ tiếp tục bị huỷ hoại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân
Vậy theo ông, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
- Chính quyền chúng ta là bộ máy xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Việc phân quyền không có nghĩa là toàn quyền; phân quyền phải đi đôi với giám sát; không giám sát được cũng là có lỗi. Đó là lý do mà Quốc hội chỉ chất vấn các thành viên Chính phủ mà không chất vấn các chủ tịch tỉnh.
Trong việc này, các địa phương cũng có liên quan trách nhiệm nhưng trước hết là ở cấp trung ương. Chính phủ có bộ máy hành chính đến cấp xã. Ở tỉnh có Kiểm lâm, Sở NN&PTNT làm tai mắt cho tỉnh và Chính phủ. Vậy việc cho thuê đến 400.000ha rừng, gần bằng 1 tỉnh lớn mà Bộ NN&PTNT và Chính phủ nắm không đầy đủ là có lỗi.
Có thể nói, đây là kỳ chất vấn mà rừng được đặc biệt quan tâm. Với vai trò là người giữ rừng (Phó Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát), bản thân ông có thấy hài lòng?
- Tôi đã nói về rừng từ 3- 4 kỳ họp trước. Lần này, nhiều đại biểu quan tâm là thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với việc bảo vệ rừng. Nhưng qua đây cũng cho thấy việc bảo vệ rừng đang có nhiều vấn đề nổi cộm. Còn rất nhiều vấn đề về rừng đang diễn ra mà chưa thể nói hết như gần 10 con voi vừa chết, hổ nguy biến, gấu còn bị nuôi trong trại để lấy mật mỗi ngày…
Vì vậy, không phải vô tình mà tôi đề nghị xem xét chỉ số tín nhiệm đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Thời gian qua, bộ không quán xuyến và bao quát được vấn đề và quan trọng là không thấy được tình hình chuyển biến tích cực.
Cảm ơn ông!
Sỹ Lực (thực hiện)