Dân Việt

XKLĐ theo Quyết định 71- Bài 1: Nhiều lao động bỏ cuộc giữa chừng

08/04/2013 08:30 GMT+7
(Dân Việt) - Quyết định 71/QĐ-TTg hỗ trợ cho lao động (LĐ) huyện nghèo đặt mục tiêu đưa hàng chục ngàn LĐ nghèo xuất cảnh, nhưng 4 năm đã trôi qua mà số LĐ đưa đi chỉ đạt 20% , trong đó tỷ lệ bỏ đào tạo và bỏ xuất cảnh lên tới gần 40%.

Mong đổi đời

Bạch Đích (huyện Yên Minh, Hà Giang) là xã giáp biên, toàn xã có hơn 3.000 dân, trong đó chủ yếu là người dân tộc Nùng, dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Đời sống quanh năm khó khăn, bà con chỉ biết đến con trâu con bò, con lợn, con gà… Do vậy, khi nghe thấy cán bộ tuyên truyền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) thu nhập 3 năm đạt cả trăm triệu đồng thì vui mừng lắm.

img
Khoảng 18% LĐ đăng ký đi XKLĐ theo Quyết định 71 nhưng bỏ về trong thời gian đào tạo (ảnh minh họa).

Chị Lục Thị Nghiêm (21 tuổi ở Bạch Đích, Yên Minh) tâm sự: “Tôi xuất cảnh năm 2009 sang làm việc tại Malaysia. Xuống sân bay, tôi được đưa đến làm tại nhà máy sản xuất tổ yến (tại TP.Saikim). Tuy nhiên, việc lúc có lúc không, lương không đủ ăn nên đành phải bỏ việc về nước trước hạn”. Trở về nước, khó khăn lắm chị mới trả vơi được phần nợ vay của ngân hàng chính sách để đi XKLĐ. “Đến giờ cũng chưa dám lấy chồng đâu, chắc còn phải đi làm thuê mấy năm nữa. Nếu ổn định, kiếm được tiền về trả nốt khoản nợ 20 triệu cho ngân hàng rồi mới lấy chồng” – chị Nghiêm nói.

Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009- 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 71/2009/QĐ – TTg, ngày 29.4.2009 (gọi tắt là Đề án 71) với mục tiêu nâng cao chất lượng LĐ và tăng số lượng LĐ ở các huyện nghèo tham gia XKLĐ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đề án được thực hiện với tổng kinh phí 4.715 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đích, toàn xã có 58 người đi XKLĐ theo Quyết định 71 như chị Nghiêm. Ban đầu các doanh nghiệp XKLĐ tuyển dụng, đào tạo rất bài bản, người dân hết sức tin tưởng.

“Tuy nhiên, năm 2009 kinh tế suy thoái, công việc của bà con ở nước ngoài không ổn định, cộng với thực tế nhiều người trình độ học vấn thấp, tác phong công nghiệp không có… khiến cho họ không thích ứng được với công việc nên nảy sinh tâm lý chán nản và muốn về. Trong khi đó, phía Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về LĐ. Thu nhập cao, không phải đi xa nên bà con ở đây chuyển hướng sang đi làm thuê cho Trung Quốc”- ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng bày tỏ, trước thực tế phải về nước trước hạn quá nhiều nên hiện không có LĐ nào đăng ký đi XKLĐ theo Quyết định 71 dù được hỗ trợ rất nhiều. “Năm 2009-2010, toàn xã đưa được 58 người đi XKLĐ theo Quyết định 71. Sau đó thì ít có LĐ đi. Cá biệt, 3 tháng đầu năm 2013, mặc dù địa phương đã nỗ lực tuyên truyền nhưng vẫn không có LĐ nào đăng ký”.

Vòng tròn luẩn quẩn

Theo tính toán của các LĐ, để đi Malaysia làm việc mỗi người phải chi từ 33- 35 triệu đồng. Dù được hỗ trợ từ Quyết định 71 các khoản ăn, ở, đi lại, học hành, thậm chí cả tiền làm chứng minh thư, hộ chiếu thì LĐ vẫn phải vay từ 20-25 triệu đồng đóng các khoản phí dịch vụ. Khoản tiền này hầu hết các LĐ phải vay 100% từ ngân hàng. “Chúng tôi được vay ngân hàng chính sách với lãi suất rất thấp, nói chung là được hỗ trợ nhiều. Nhưng khi gặp rủi ro thì không có tiền đâu mà trả, trở thành con nợ thôi”- chị Lục Thị Nghiêm nói.

Mục tiêu của đề án là năm 2009-2010 đưa thí điểm 10.000 LĐ các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài; năm 2011đưa 10.000 LĐ; 2012 đưa 10.000 LĐ. Thực tế: Tới tháng 3.2013, mới có gần 4.000 LĐ thuộc huyện nghèo xuất cảnh.

Đến thăm gia đình LĐ Mùng Xiêu Sơn (26 tuổi, thôn Cooc Phụng, Bạch Đích) mới cám cảnh cho sự khó khăn. Một tay địu cháu, một tay quét nhà, bà Vàng Thị Hỏn- mẹ của Sơn ngần ngại: “Cán bộ lại đến hỏi tiền à, thằng Sơn nó đi làm thê bên Trung Quốc rồi, không có tiền trả cán bộ đâu”. Nói rồi bà Hỏn len lén đi vào bếp. Mãi tới khi biết không phải là cán bộ ngân hàng đi đòi nợ bà Hỏn mới ra tiếp chúng tôi.

“Con tôi nó vất vả lắm, học hết lớp 1 thì phải bỏ học đi làm nương. Năm 2009, được cán bộ vận động, nó đăng ký đi XKLĐ. Thầy giáo dạy nó bảo nó nói tiếng Kinh còn chưa nghe rõ, thì làm sao mà học tiếng đi nước ngoài. Nhưng vì thấy nó quyết tâm nên thầy cố gắng dạy dỗ nó, cho nó đi. Biết đâu là sang đó lại khó thế” – bà Hỏn kể.

Sơn xuất cảnh năm 2009. Công việc không thuận lợi, sau 1 năm làm việc, Sơn chỉ kiếm được 16 triệu đồng nên đành về nước để cưới vợ. Vợ Sơn cũng từng đi XKLĐ nhưng cũng về trước hạn, không dành dụm nổi một đồng, thành thử nợ nần vẫn không trả được. “Cả 2 vợ chồng hiện mỗi người một nơi. Vợ thì về Thanh Hóa, còn Sơn thì vượt biên sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền trả nợ rồi”- bà Hỏn than vãn. Giờ đây, con cái đi hết, một mình bà Hỏn phải nuôi 4 đứa cháu, cả nội lẫn ngoại, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa bé nhất mới 2 tuổi với nguồn thu nhập chỉ trông vào 4 sào ruộng.

Cách nhà bà Hỏn có một hàng rào, gia đình bà Phùng Thị Tiến có hai con trai đi Malaysia cũng chịu chung số phận. Ước mong đổi đời cũng vụt tắt kể từ sau khi hai đứa con trai của bà Tiến về nước trước thời hạn. “Cả nhà giờ chỉ có 1 con trâu là tài sản duy nhất, chỉ sợ ngân hàng vào tịch thu mất thì không biết lấy gì mà sống” - bà Tiến bày tỏ.

(Còn nữa)