Dân Việt

Quốc hội sẽ nghe báo cáo bổ sung về tình hình Biển Đông

10/06/2013 19:05 GMT+7
Dân Việt - Chiều mai (11.6), Quốc hội sẽ nghe báo cáo bổ sung tình hình, diễn biến mới về Biển Đông. “Đây là phiên họp riêng, không có sự tham dự của báo chí” - thông cáo từ Trung tâm báo chí kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII khẳng định.

Được biết, tình hình Biển Đông là nội dung mới được bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5, trên cơ sở đề nghị của nhiều ĐBQH. Trước đó, trả lời báo chí khi kỳ họp đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho biết Chính phủ sẽ báo cáo bổ sung về tình hình biển Đông trong chương trình kỳ họp này.

Vấn đề Biển Đông vốn được khá nhiều ĐBQH đề cập, thảo luận trong các phiên họp tổ cũng như thảo luận tại hội trường. Bản báo cáo tập hợp ý kiến các vị đại biểu thảo luận ở tổ và hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, những tháng đầu năm 2013 vừa hoàn thành cuối tuần qua cũng phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến công tác quốc phòng, an ninh, biển đảo.

Theo đó, đánh giá chung của các ĐB cho thấy, Việt Nam chưa có chiến lược phát triển quốc phòng, an ninh, nhất là trên biển. Hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng chống phá nước ta thông qua nhiều hình thức: phản động nước ngoài kết cấu với phản động trong nước kích động, lôi kéo nhân dân ở các vùng trọng điểm, chống lại Nhà nước; ở vùng sâu, vùng xa, việc truyền đạo trái phép diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, tình hình biển Đông đang diễn ra rất phức tạp, chưa có biện pháp cụ thể để kiểm soát mọi vấn đề về biển Đông.

img

Có ý kiến đề xuất, cần đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có giải pháp quyết đoán hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc, phân biệt hành vi xâm phạm và xâm lược để xử lý phù hợp, thực hiện phòng thủ tốt. Đồng thời, cần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nắm bắt được quan điểm của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Nhiều ĐB đề nghị Việt Nam cần chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có ĐB còn đưa ra các giải pháp cụ thể như xem xét thành lập công ty để cùng với ngư dân vươn xa bảo vệ biển, làm chỗ dựa cho ngư dân, mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nền quốc phòng vững mạnh, nhất là công nghiệp quốc phòng; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng; tng cường cơ sở vật chất cho quốc phòng-an ninh, nâng cao tiềm lực quân sự của đất nước bằng cách kết hợp quốc phòng với kinh tế, gắn với dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; Quan tâm, chăm lo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng để duy trì được hiệu lực của luật pháp trên biển; tiếp tục củng cố các cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế về chủ quyền và quyền chủ quyền đối với biển đảo Việt Nam cũng là góp ý của đại biểu.