Dân Việt

Tiến sĩ Nhật tử nạn cống hiến rất nhiều cho khảo cổ Việt

11/06/2013 06:40 GMT+7
Dân Việt - Gắn bó với ngành khảo cổ Việt Nam suốt hơn 20 năm qua, sự ra đi đột ngột của tiến sĩ Nhật Bản Nishimura Masanari là một tổn thất rất lớn cho khảo cổ học nước ta.

Tiến sĩ khảo cổ học người Nhật Bản Nishimura Masanari đã thiệt mạng trong một tai nạn giao thông ngày 9.6, khi ông đang đi xe máy đi khảo cổ một dự án ở Bắc Ninh. Sự ra đi của ông để lại một tổn thất lớn cho giới khoa học nói chung và cho khảo cổ Việt Nam nói riêng.

Nhận tin dữ, anh Nguyễn Xuân Toán – Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) vừa là một trong những người bạn, vừa là học trò của tiến sĩ Nishimura khi ông tham gia giảng dạy cho sinh viên khảo cổ học về văn hóa Đông Sơn đã không khỏi nghẹn ngào:

“Mới hai tuần trước tôi còn gọi điện cho anh Nishimura Masanari, anh bảo đang làm ở Bắc Ninh, mấy hôm nữa sẽ bay về nước để mua máy móc phục vụ cho việc nghiên cứu khảo cổ. Thế mà hôm nay… anh không còn nữa”.

 img
TS Nishimura Masanari giới thiệu về dự án bản đồ vệ tinh toàn cầu netwich đang triển khai ở Thành nhà Hồ

Anh Toán cho biết thêm: Tiến sĩ Nishimura Masanari làm chuyên gia tư vấn, bảo tồn, nghiên cứu khoa học cho Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ từ năm 2009. Năm 2011, anh đã có sáng kiến làm bản đồ vệ tinh toàn cầu netwich về khu di tích Thành nhà Hồ, nhằm giúp trung tâm quản lý tốt hơn các công trình, hạng mục đang cần được bảo tồn.

“Dự án mới làm được khoảng 50%, anh Nishimura Masanari là người đứng đầu dự án. Sự ra đi đột ngột của anh Nishimura Masanari, là một tổn thất rất lớn cho các nhà khảo cổ học Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung” - anh Toán nói trong thương tiếc.

Đối với PGS-TS Nguyễn Giang Hải - Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam: “Tiến sĩ Nishimura Masanari đã dành cả cuộc đời cho sự phát triển của khảo cổ học Việt Nam”.

Tiến sĩ Nishimura Masanari là người đã phát hiện một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ 1 - 3 sau Công nguyên. Chính mảnh khuôn đúc đồng duy nhất được tìm thấy từ trước tới nay này đã giúp khẳng định trống đồng được đúc ra chính tại Việt Nam, chứ không phải từ nơi khác mang đến. Và cũng chính ông cùng đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu, với những mũi tên từ niên đại, thời kỳ An Dương Vương, giúp chứng tỏ mũi tên đã được sản xuất tại chỗ.

 img
TS Nishimura Masanari đi thực địa khảo sát để làm bản đồ vệ tinh toàn cầu netwich tại Thành nhà Hồ

Luận án thạc sĩ của ông là nghiên cứu về công cụ đá của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Sơn Vi. Luận án tiến sĩ của ông nghiên cứu về khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông - Đồng Nai. Ông còn là người có công đóng góp cho việc xây dựng Bảo tàng gốm Kim Lan và Dương Xá tại Bắc Ninh.

Tiến sĩ đã trở thành người bạn thân thiết của rất nhiều nhà khảo cổ học ở Việt Nam và là thầy giáo của hàng trăm học sinh ngành khảo cổ. Trong nhiều năm liền, tiến sĩ Nishimura Masanari là giảng viên cho các lớp khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam.

Nhiều học trò của ông nhận xét rằng, ông là một người thầy mẫu mực, có nhiều kinh nghiệm trong ngành khảo cổ, nhiệt tình trong công việc, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp, sinh viên. Ngoài đời, ông là người rất gần gũi, dễ tiếp xúc, chia sẻ. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều đau buồn, tiếc thương.