Đại biểu Quốc hội yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng đất lúa. |
Không cẩn thận sẽ hết rừng
Tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH quy định dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, rất nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết 66 vẫn để một kẽ hở, tức là rừng đặc dụng hạn chế chuyển đổi nhưng lại không quy định việc chuyển đổi từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ sang rừng sản xuất cũng phải trình Quốc hội. Bởi vậy, mới xảy tình trạng khi người ta muốn chuyển đổi rừng đặc dụng thì họ làm thao tác chuyển từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất.
Thực tế, Việt Nam đã mất hàng chục nghìn hécta rừng bằng con đường này. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng: Chuyển đổi 200ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, gồm có cả việc chuyển từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất, nếu trên quy mô đấy thì vẫn phải trình Quốc hội chứ không phải chuyển sang mục đích khác thì mới phải trình Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân còn cho rằng, cần lưu ý để tránh việc phân lô dưới 200ha hoặc dưới 500ha (đối với rừng phòng hộ ven biển) để lách luật. Vì, đa số các vuông tôm ven biển hiện nay, đặc biệt là nuôi tôm trên cát là dùng đất rừng phòng hộ ven biển. Một dự án chỉ vài trăm hecta nhưng họ phân lô liên tục để lấy đất rừng.
ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) cho rằng: Nếu chuyển đổi 200ha rừng tự nhiên, rừng quốc gia mới phải xin ý kiến Quốc hội thì chỉ một thời gian nữa Việt Nam sẽ hết rừng, bởi vì người ta chỉ làm 70ha, 100ha để không cần phải xin ý kiến Quốc hội.
Phải bảo vệđất lúa
Đa số các ý kiến cho rằng cần thiết phải đưa tiêu chí bảo vệ đất lúa vào trong nghị quyết 66. Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) cho rằng, trong dự án công trình quan trọng quốc gia vẫn phải quy định những dự án công trình sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa với diện tích lớn phải trình Quốc hội xem xét quyết định. Ở Trung Quốc chỉ cần 0,3ha đất trồng lúa chuyển mục đích thì phải trình Quốc Vụ Viện. VN cũng phải thế.
- đại biểu Nguyễn Đình Xuân
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) đồng quan điểm và nêu thực tế: Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hiện đã có 223 khu công nghiệp thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong số này có 171 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất 57.000ha và tỷ lệ lấp đầy mới có 46%. “Tôi đặt câu hỏi là nếu lấp đầy 100% của cả 223 khu công nghiệp thì lấy bao nhiêu đất canh tác? Tất nhiên họ không lấy đất rừng. Họ toàn lấy đất ven các quốc lộ, tỉnh lộ”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng trăn trở: Hiện nay tình hình sử dụng đất lúa, đất nông nghiệp khá tràn lan. Trước đây chúng ta quy định rằng sử dụng 5ha đất lúa là Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhưng sau khi bỏ quy định này thì tình hình diễn ra khá xấu. Nhiều nhà kinh tế đã nói với chúng tôi rằng, đất lúa ngày càng bị thu hẹp, cho nên cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất lúa...
Ông Phúc cũng lấy dẫn chứng về Đồ án quy hoạch Hà Nội. Ông cho rằng, quy hoạch Hà Nội lấy quá nhiều đất nông nghiệp (43.000ha). Cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch Hà Nội để hạn chế lấy đất lúa. Nếu thông qua quy hoạch Hà Nội, 43.000ha đất lúa mất đi mới là vấn đề lớn. Do vậy, phải cân nhắc kỹ nên giao trách nhiệm cho ai quản lý đất lúa; Quốc hội quản lý đến đâu và Chính phủ quản lý đến đâu, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm đến đâu?!
Xuân Mai