Gia đình ông Lý Seo Mình (63 tuổi) là một trong vài hộ ở thôn Hán Dù có bể chứa nước. Hữu Thông |
Không có nhà vệ sinh (NVS), không có bể chứa nước... là thực trạng buồn của hàng trăm hộ dân người Mông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai.
3 triệu đồng cho 2m2 nhà vệ sinh
“Chỉ nhẩm tính vậy thôi đã thấy, có lẽ đây là giá xây dựng cao nhất hiện nay để xây một NVS 2m2”- anh Lý Sao Chia ở thôn Hán Dù cho biết.
Theo anh Chia, mặc dù giá gạch, xi măng ở dưới phố không quá đắt đỏ, nhưng để vận chuyển được lên tới tận bản thì giá thành phải đội lên gấp 5-7 lần, thậm chí cả chục lần vì đường đi khó khăn, phải trèo đèo, lội suối, băng rừng.
Cứ nghe anh Chia kể, thì với một thôn như Hán Dù mới có hơn 10 hộ xây được NVS (trong tổng số 54 hộ), đã là một kỳ tích.
Được biết, những hộ xây NVS sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng từ địa phương. Nhưng số tiền này bà con chỉ nhận được khi NVS đã được cán bộ nghiệm thu. Điều đó đồng nghĩa với việc bà con phải ứng 3 triệu đồng tiền túi ra để mua vật liệu và thuê thợ xây.
Với một xã có đến 287 hộ nghèo (trong tổng số 630 hộ), với mức thu nhập bình quân là 450.000 đồng/người/năm thì con số 3 triệu thực sự là khó khăn với bà con. Còn một thực tế khác khiến cho cán bộ ở đây “đau đầu” là nếu hỗ trợ 1 triệu đồng trước thì bà con lại tiêu vào việc khác chứ không xây NVS nữa”- một cán bộ xã ở đây cho biết.
Theo ông Thào Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Bản Phố, hiện tỷ lệ các hộ gia đình ở xã có NVS chỉ khoảng 20-30%; thậm chí có những thôn không có NVS. Còn anh Vàng Seo Sùng (thôn Làng Mới) thì thẳng thắn:“Nhiều gia đình muốn xây NVS nhưng đời sống khó khăn quá. Tuy vậy cũng không ít hộ ỷ lại vào vốn nhà nước hỗ trợ”.
Tuy nhiên còn một lí do khác khiến cho người Mông ở Bản Phố “không mặn mà” với việc xây NVS, mà theo lí giải của trưởng thôn Làng Mới - ông Vàng Seo Cầu là “phóng uế ngoài đồng, trên rừng là thói quen của người dân nơi đây!”
Khó “bắt” nước sạch
Không chỉ nhức nhối trong việc vận động bà con Bản Phố xây NVS, vấn đề nước sinh hoạt cho bà con ở đây cũng đang là thách thức lớn. Hiện nay 7 thôn đã có công trình nước sạch và 4 thôn chưa được xây dựng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là những công trình đã được xây dựng hầu như bị... bỏ hoang.
Mặc dù, mỗi tháng các hộ gia đình chỉ phải đóng góp 3.000 đồng cho việc duy tu bảo dưỡng, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ được vài tháng bà con đã phải khất nợ xã. Vì không có kinh phí nên các tổ quản lí cũng không duy trì được lâu dài.
Khi xã họp bàn với bà con tìm cách tháo gỡ khó khăn, bảo vệ các công trình nước thì chỉ có vài người đến họp. “Mời 7 giờ thì phải 8-9 giờ bà con mới có mặt, vì nhà ở xa UBND xã hàng chục cây số, hơn nữa bà con đi làm về muộn nên có gia đình cử cả... trẻ con đến họp”- ông Thào Seo Lử, cán bộ y tế xã cho biết.
Ở những thôn chưa có nước sạch như Hán Sáng, Hán Dù... bà con phải dùng các ống bương, ống đất hoặc “sang” hơn là ống nhựa để dẫn nước từ suối về. Nhưng theo anh Vàng Seo Plẩu (thôn Quán Dín Ngài), “bắt nước ở suối về ngày càng khó cán bộ à. Những nguồn suối nhỏ cạn đến 6-7 tháng trong năm. Mùa lũ thì nước đục, mùa khô thì không còn nước”!.
Hữu Thông