Tại ĐBSCL - “thủ đô” cá tra, basa, mặt trái của sự tăng trưởng vùng nuôi chính là sự ô nhiễm này. Theo ông Nguyễn Gia Thái - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Gia Nguyễn (Hà Nội), do lượng nước dùng trong sản xuất thủy sản rất lớn nên các nhà máy thường dùng nước mặt (nước sông) và nước ngầm rồi khử trùng bằng clo lỏng hoặc bột. Dùng clo lỏng thì nguy cơ cháy nổ khi vận chuyển rất cao. Ngoài ra cả hai cách đều để lại dư lượng độc hại lớn cho môi trường.
Trong Hội chợ Thủy sản Vietfish 2010 tổ chức tuần qua tại TP. HCM, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải (thường được gọi là Tiến sĩ ôzôn) quả quyết dung dịch anolit (nước muối điện hóa mà bà con quen gọi là nước ôzôn) có thể giải quyết tình trạng trên rất tốt, rất rẻ so với dùng hóa chất, không gây hại cho môi trường.
Theo ông Khải, có 2 loại dung dịch nước muối điện hóa dùng cho các mục đích khác nhau: Nước javen điện hóa có nồng độ clo cao hơn trong anolit, tác dụng khử trùng mạnh hơn nhưng vẫn để lại độc hại, anolit có nồng độ clo yếu hơn nhưng lành hơn, hoàn toàn không gây hại cho môi trường do đây thực chất là dung dịch nước muối nhạt được điện phân.
Tuy nhiên, khả năng khử trùng và tẩy rửa của chúng rất lớn do hình thành nhiều ion trong quá trình điện phân. Tiến sĩ Khải giới thiệu thử nghiệm rửa mực ở Sông Cầu (Phú Yên), Bình Thuận, nước chỉ đen ở lần rửa đầu, đến nước thứ 3 đã trong veo.
Ông Nguyễn Gia Thái cho biết, Công ty Gia Nguyễn đã bán được gần 200 máy cho các cơ sở y tế và công ty cấp nước (khử trùng thiết bị, khử trùng nước, rửa tay bác sĩ, khử trùng-khử mùi nước thải, rác thải...). Hiện nay công suất lớn nhất của máy mới đạt 200 lít/giờ nên chưa đủ sử dụng trong các nhà máy chế biến thủy sản, nhưng đầu năm 2011 tới công ty sẽ sản xuất các máy có công suất 500-1.000 lít/giờ. Máy nhỏ dùng cho gia đình cỡ 15 lít/giờ, giá khoảng 5-8 triệu đồng/chiếc cũng sẽ được sản xuất để rửa rau, rửa tay, súc miệng, rửa đồ dùng nhà bếp, phun xịt lên vách, sàn khử trùng.
Máy điện phân nước hiện có giá từ 20-200 triệu đồng, tùy công suất máy.
An Quốc