Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phát biểu trong phiên thảo luận ngày 15-6. |
Không ai đưa Chính phủ lên “sơn cùng thủy tận"
Trước khi bước vào phiên thảo luận chính thức, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân có 30 phút làm rõ một số vấn đề, trong đó có việc xây dựng trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì. Bộ trưởng nói: Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quân cho rằng phải hiểu toàn bộ Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của cả nước. Do vậy không có khái niệm trung tâm hành chính quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong Thủ đô và càng không thể có chuyện "dời đô" như một số đại biểu băn khoăn.
Bộ trưởng Quân khẳng định, Ba Đình sẽ luôn luôn là trung tâm chính trị của đất nước. Tuy nhiên, tại khu vực Ba Đình không có điều kiện để tập trung tất cả trụ sở cơ quan đầu não của bộ máy hành chính quốc gia mà phải bố trí phân tán ở nhiều khu vực trong Hà Nội. “Ba Vì trong ý tưởng Quy hoạch chung lần này chỉ là nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan của Chính phủ theo tầm nhìn đến năm 2050” - ông Quân nói.
Chưa yên tâm với giải trình của Bộ trưởng Xây dựng, các đại biểu tiếp tục truy vấn về việc di chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì. Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) vẫn cho rằng, chọn Ba Vì để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia là không thuyết phục và thiếu cơ sở khoa học. Từ thời Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long đến nay cũng đều chỉ có một trung tâm đầu não.
Từ góc nhìn gìn giữ đa dạng sinh học, đại biểu Rcom Sa Duyên (Gia Lai) cho rằng Ba Vì được mệnh danh là lá phổi xanh của Thủ đô, góp phần đưa Việt Nam đứng thứ 16 của thế giới về hệ đa dạng sinh học nên đặt trung tâm hành chính ở Ba Vì sẽ gây tác động xấu, làm thay đổi hệ sinh thái đa dạng sinh học, về lâu dài phá vỡ cấu trúc tự nhiên này".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết rất "kỹ tính" khi phân tích lập luận của Bộ trưởng Xây dựng. "Bộ trưởng nói chuyển lên Ba Vì cũng là trong phạm vi Hà Nội. Lập luận thế là không được, vì ngay trong nhà mình, dời bàn thờ đi một mét đã là chuyện đại sự. Bảo rằng chuyển cơ quan hành chính lên đấy vẫn trong ranh giới Thủ đô thì tôi cho rằng không ổn. Về mặt phong thủy, không ai đưa Chính phủ lên chỗ sơn cùng thuỷ tận như vậy"- ông Thuyết nói.
Một đường thẳng không thể kết nối văn hoá
Không đồng tình với việc di chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, nhiều đại biểu cũng không mấy mặn mà với trục Thăng Long, được coi là trục tâm linh nối giữa trung tâm Hà Nội với Ba Vì. Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, kể cả trục này, Hà Nội có 7 trục hướng tâm; vì vậy không nên tạo điểm nhấn cho trục này, tạo điều kiện cho việc đầu cơ, nâng giá đất.
Cho rằng "trục Thăng Long" là không phù hợp, tốn nhiều đất lúa… Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) khẳng định, không có nước nào chỉ bằng một trục đường thẳng mà có thể kết nối văn hoá, kinh tế các vùng như một số ý kiến giải thích bảo vệ cho trục này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung cho rằng: Mâu thuẫn, khó hiểu nhất của đồ án chính là trục Thăng Long. Ông nói: "Quá lãng phí khi xây dựng con đường này. Ta đã nghèo mà còn chơi sang. Tính sơ sơ trục Thăng Long tốn 10km2 đất, trong khi đó đất đang chật, người lại đông. Nếu làm trục này thì sẽ phá vỡ cảnh quan khu vực phía tây Hà Nội”.
Sỹ Lực
Phải tiếc từng tấc đất lúa
Trao đổi với NTNN bên hành lang hôm 14-6 về quy hoạch Thủ đô, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói về đồ án quy hoạch trục Thăng Long.
- Tôi rất hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Xây dựng tuyên bố rút ý định chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì... Tôi nghĩ trước mắt chúng ta có thể trồng rừng ở đó và 50 năm nữa con cháu sẽ có cách tính toán đối với khu vực này.
Trên diễn đàn Quốc hội, ông cho rằng xây dựng trục Thăng Long là lãng phí. Tại sao vậy?
- Theo đồ án quy hoạch, trục Thăng Long dự kiến làm rộng 300m và là 1 điểm nhấn của kiến trúc Hà Nội. Trong khi thực tế, bên phải và bên trái trục Thăng Long đã có 2 con đường: Đường Láng Hoà Lạc rộng 140m và đường 32 cũng rất rộng. Hai con đường này đều kết nối Hà Nội lên Sơn Tây. Do vậy cách giải thích xây trục Thăng Long để nối kết 2 nền văn hoá Thăng Long và Xứ Đoài là không hợp lý, thiếu thuyết phục. Nếu chỉ vì 1 điểm nhấn mà đầu tư lớn thì rất lãng phí.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Hồng Phúc bày tỏ quan điểm quy hoạch Hà Nội lấy quá nhiều đất nông nghiệp là không hợp lý. Ý kiến của ông thế nào?
- Đối với đất nông nghiệp, đất 2 vụ lúa thì phải tiếc từng tấc. Các cụ ta có câu “tấc đất tấc vàng”. Không thể chủ quan là nước đứng thứ 2 xuất khẩu gạo để lấy đất nông nghiệp quá nhiều. Theo tôi lấy đất nông nghiệp đã đến mức báo động.
Đại biểu Quốc hội đã nhắc rất nhiều, đại biểu cũng nghe đến ù tai rồi mà Chính phủ chưa có biện pháp gì. Đồ án này lấy đất nông nghiệp rộng như vậy không thể chấp nhận được. Ngay trong Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã không tán thành. Tôi cũng không tán thành.
Xin cảm ơn ông.
Xuân Mai (thực hiện)