De Rossi gỡ hoà 1-1 cho Italia từ một tình huống phạt góc |
Vòng bảng World Cup 2010 gần đi hết lượt trận đầu tiên đã chứng kiến sự thận trọng đến mức thái quá của các đội bóng. Sức ép thường xuyên đè nặng lên mọi hàng thủ trong những thế trận rình rập. Đó là lý do dẫn đến hiện tượng lặp đi lặp lại: Đội thắng cuộc chưa chắc là đội chơi hay hơn, mà chủ yếu nhờ hàng thủ duy trì được sự tập trung, không mắc những sai sót chết người như đối phương mà thôi. Đứng trước những "bức tường" phòng ngự kiên cố, các tình huống cố định luôn được coi là chìa khoá vàng để tạo nên sự khác biệt.
Vấn đề nằm ở chỗ trong các trận đấu đã qua, những cái tên thường gây ra nỗi ám ảnh đối với các thủ môn: Marquez (Mexico), Forlan (Uruguay), Lampard (Anh), Stankovic (Serbia), Sneijder (Hà Lan)... có rất ít cơ hội đá phạt hàng rào ở cự ly quen thuộc. Mọi HLV đều khuyến cáo cầu thủ hạn chế tối đa việc phạm lỗi trước vòng cấm. Muốn tạo ra bước ngoặt, các đội bóng không còn cách nào khác là phải thể hiện được tài phối hợp đá phạt ở cự ly xa, hoặc tận dụng triệt để những quả phạt góc.
Thực tế, Serbia là những người để lại ấn tượng nhiều nhất về những pha dàn xếp đá phạt khi đối đầu với Ghana. Tiếc là tất cả chỉ dừng lại ở những ý tưởng. Trong khi đó, Hàn Quốc đã biết cách khai thông bế tắc, mở đường tới chiến thắng 2-0 trước Hy Lạp với bàn thắng của Lee Jung Soo sau 1 tình huống đá phạt cánh trái.
Ngay như Argentina cũng phải nhờ tới cú đá phạt góc bên phải của Veron, tạo điều kiện cho Heinze đánh đầu lập công mang về 3 điểm trước Nigeria. Rạng sáng 15-6, nếu như Alcaraz mở tỷ số cho Paraquay sau khi nhận bóng từ pha đá phạt bên phải, thì De Rossi cũng gỡ hoà 1-1 cho Italia từ 1 tình huống phạt góc.
Rõ ràng, World Cup 2010 đang "khô cứng" vì những "cái đầu" quá thực tế. Kỳ vọng mang tới những luồng gió mới, tươi mát đặt cả vào Brazil, Tây Ban Nha, Hà Lan, Argentina... Nhưng trước hết, họ cũng phải học cách thực dụng, đá phạt tốt, chống đá phạt hoàn hảo, trước khi cùng nhau tạo nên những bữa tiệc bóng đá lãng mạn, vị nghệ thuật.
Lê Đức