Mực nước lòng hồ xuống thấp là cơn ác mộng của những người nuôi cá. |
“Nghĩa địa” cá
Xuống cảng Bích Hạ hỏi thuê thuyền đi ngao du lòng hồ, mấy chủ tàu nhìn chúng tôi mắt tròn mắt dẹt: “Hai chú hỏi thật hay hỏi đùa. Hoạ có hâm mới đi thuyền vào mùa này”. Ông Dũng - chủ một tàu buôn đưa tay chỉ về dãy núi phía xa nói: “Chú mày nhìn xem, trước đây nước mênh mông nhấn chìm cả mấy quả núi đó. Tàu bè đi lại băng băng. Giờ nước cạn xuống tận chân núi rồi nên thuyền khó đi và mùi nước bốc lên tanh nồng, chẳng ai chịu được”.
Phải vất vả lắm chúng tôi mới thuyết phục được ông Dũng chở chúng tôi ngược sông. Quả đúng như lời ông Dũng nói, vừa nổ máy khua cái chân vịt, mùi nước tanh nồng đã bốc lên “khủng bố” cái mũi của chúng tôi.
Theo ông Dũng, mực nước lòng hồ sắp tiến dần đến mực nước chết nên bao thứ xú uế từ những khu dân cư sống ven lòng hồ thải xuống, giờ thoả sức bốc mùi. Và một “thủ phạm” nữa mỗi khi nhắc tới khiến chủ tàu nào cũng ngao ngán, đó là tình trạng cá chết nổi trắng lòng hồ. “Mùa nước cạn chúng tôi khổ một thì những chủ nuôi cá lồng khổ mười. Họ mất cả chì lẫn chài…” - ông Dũng than thở.
Loanh quanh mãi không tìm được ai để hỏi thăm, tôi định xuống tận lồng cá để xem thực hư ra sao thì một người đàn ông từ trên bến hớt hải chạy xuống ngăn lại: “Chú mày xuống đó thì mang vạ vào thân đó”. Hoá ra người đàn ông vừa ngăn tôi lại là ông Nguyễn Văn Toàn - chủ nuôi cá lồng ở xóm Mới, xã Thung Nai, huyện Cao Phong.
Ông Toàn có khuôn mặt khắc khổ. Râu ria mọc lởm chởm, thân hình tiều tụy như người mới ốm dậy. Biết chúng tôi là nhà báo, ông giải thích: “Nước độc lắm! Nước “ăn” chân đấy”. Nói xong ông vạch ống quần lên tận đầu gối cho tôi xem. Đôi chân của ông tím tái. Từ đầu gối xuống đến bàn chân chằng chịt những vết xước đã mưng mủ. Ông phân bua: “Mấy hôm cá chết tôi lội xuống chẳng hiểu sao bị mụn như thế này. Chưa năm nào nước cạn cá chết nhiều như năm nay.
Trắng tay
Dẫn chúng tôi đi thăm các lồng cá trống rỗng, ông Toàn ngậm ngùi kể: Bình thường cứ mỗi buổi sáng tôi đều xuống kiểm tra bè và cho cá ăn. Buổi trưa ngày 4-6 trời nắng chang chang, tôi thấy cá chìm xuống lồng tưởng là cá lặn xuống tránh nóng. Đến chiều thì thấy vài con chết nổi. Thường thì vào thời điểm giao mùa đều có vài con cá yếu bị chết nên tôi không để ý lắm.
Tuy nhiên sang hôm sau tự nhiên thấy cá nổi trắng lồng. “Cả 9 lồng cá của tôi không còn một con nào sống sót. Chúng chết giống như một cuộc tự sát tập thể anh à” - ông Toàn nói như than. Buồn hơn là 400 con cá quất, ông mới thả đầu năm, giờ mỗi con được trên 1kg (mỗi kg cá quất bán với giá 450.000 đồng). Vậy mà chúng cũng lăn đùng ra chết cả. Tính sơ sơ, ông Toàn thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Bến Thung Nai đang dần cạn khô. Ảnh: Lâm Tới |
Không riêng gì ông Toàn, 20 hộ nuôi cá lồng ở Thung Nai cũng đang hứng chịu chung một thảm cảnh là trắng tay. Anh Nguyễn Ngọc Huynh ở xóm Mới tiếc đứt ruột vì mấy bè cá sắp đến ngày thu hoạch thì mất sạch. Theo anh Huynh, để đầu tư 4 lồng cá trắm, cá ngạnh anh phải vay tiền ngân hàng. Tổng vốn đầu tư của anh vào khoảng 50 triệu đồng. Sau trận mưa đầu mùa cá chết hết. Anh cho biết: “Cá còn nhỏ nên không bán được con nào. Mà cũng chẳng ai thèm ăn cá chết. Giờ không biết kiếm đâu tiền để trả ngân hàng nữa”.
May mắn hơn ông Toàn và anh Huynh, anh Bùi Văn Nam cũng ở xóm Mới bán được hơn 1 triệu đồng từ 2 lồng nuôi của mình. Anh cho hay: “Xuống kiểm tra lồng, tôi thấy cá lờ đờ, không quẫy đạp khoẻ như mấy ngày trước. Tôi biết có chuyện chẳng lành nên bắt mang đi bán. Lúc đó cá còn sống nên vẫn bán được, tuy giá có rẻ hơn. Nếu cá khỏe mạnh thì 2 lồng cá trắm của tôi lúc nào cũng bán được ít nhất 6 triệu đồng”.
Ông Toàn cho biết thêm: Hợp tác xã nuôi cá ở xã Thung Nai có 12 hộ nuôi 42 lồng, trong đó có 4 lồng cá quất, định cuối năm thì bán. Tuy nhiên đến nay cá đã chết hết. Ước thiệt hại trên 500 triệu đồng.
Rời thung lũng Thung Nai chúng tôi ngược lên huyện Đà Bắc rồi Mai Châu cũng gặp những ông chủ đang khóc ròng vì cá lồng chết sạch. Họ thẩn thơ trên lòng hồ như những người mộng du vì chẳng hiểu vì sao cá “báo tử” nhanh đến thế.
Lão ngư Bùi Văn Quý ở xã Phúc Sạn (Mai Châu). “Mấy chục năm nuôi cá lồng nhưng chưa bao giờ tôi thấy cá “chầu trời” sớm như năm nay. Tôi cũng chưa biết được nguyên nhân vì sao”.
Cá bị đầu độc?
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hoà Bình, vùng lòng hồ Hòa Bình có khoảng 1.100 lồng cá. Qua khảo sát sơ bộ của Chi cục Thủy sản Hoà Bình, có khoảng 500 lồng cá bị chết. Ông Bùi Văn Chủm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hoà Bình cho biết: “Tuần trước, Chi cục đã tiến hành kiểm tra mẫu nước tại khu vực thành phố Hòa Bình cho thấy lượng oxy hòa tan trong nước thấp. Qua kiểm tra 5 điểm thì thấy lượng oxy chỉ đạt từ 0,5 - 2mg/lít, trong khi lượng oxy phải đạt trung bình 3mg/lít thì cá mới sống bình thường”.
Cũng theo ông Chủm, hàng năm hiện tượng này thường xảy ra vào đầu mùa mưa. Nhưng lượng cá chết không đáng kể. Ngoài ra theo đánh giá thì do hồ Hòa Bình cạn nước nên lượng phù xa, xác cây có nhiều độc tố ở trên rừng khi gặp mưa đầu mùa đã trôi xuống sông gây ra hiện tượng cá bị ngạt.
Mặt khác, môi trường thay đổi đột ngột do lượng phù xa về gặp thời tiết âm u nên tảo không tạo được oxy. Có nhiều người dân vớt được các loại cá da trơn nhưng khi đưa sang môi trường nước khác cá lại sống bình thường. Điều này chứng tỏ nước ở hồ có hàm lượng oxy thấp. Ông Chủm đưa ra một nhận định khác: “Oxy trong nước thiếu do độc tố nào gây ra thì Chi cục không thể xác minh được mà rất cần các cơ quan chức năng khác vào cuộc”.
Liên quan đến việc nước lòng hồ thiếu oxy trầm trọng, ông Toàn cho biết thêm: Sau khi thấy cá có hiện tượng lạ, tôi đã đo thử lượng oxy trong nước thì thấy chỉ đạt 0,4mg/lít và đến sáng 5-6 đo được 0,9mg/lít.
Như vậy mà đến nay chưa một cơ quan chức năng nào của Hoà Bình xác định được rõ nguyên nhân vì sao cá trên lòng hồ Hoà Bình chết hàng loạt. Các hộ dân nuôi cá lồng lo ngay ngáy vì đa phần họ phải vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi cá. Họ đang rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền và mong ngân hàng khoanh nợ và tiếp tục cho vay vốn đầu tư vào mùa tới.
Lâm Tới