Dân Việt

Không từ chối báo chí

19/06/2010 08:03 GMT+7
(NTNN) - Sau 3 năm Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (2007) đi vào cuộc sống, vẫn còn không ít băn khoăn của những người làm báo.
img
Họp báo công bố nội dung kỳ họp Quốc hội.

Những khó khăn từ thực tế

Nói về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, phóng viên Hữu Tuấn, báo Pháp luật Việt Nam, nhận định: “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về lý thuyết là tốt nhưng về mặt thực hành còn có một số bất cập. Thứ nhất, không phải lúc nào nhà báo xuống cơ sở cũng gặp được người phát ngôn chính thức, trong khi các bộ phận khác lại từ chối trả lời các câu hỏi của báo chí khiến nhà báo gặp nhiều khó khăn khi lấy tin.

Hơn nữa, các cơ quan hành chính nhà nước nhiều khi vin vào quy chế này để né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là những vấn đề tiêu cực. Thứ hai là không phải người đại diện phát ngôn nào cũng hiểu biết về tất cả các lĩnh vực trong cơ quan mình để có thể cung cấp, giải đáp cho báo chí một cách chính xác, tường tận”.

Cùng suy nghĩ như anh Hữu Tuấn, phóng viên Phan Đăng, báo Bóng đá cho biết: “Phải thừa nhận việc cho ra đời Quy chế là một chủ trương đúng đắn và thể hiện tính chuyên nghiệp của nền báo chí vì chỉ những người phát ngôn chính thức mới cho người ta những nguồn thông tin chính thức. Đương nhiên cái gì cũng có tính hai mặt của nó.

Quy chế này khiến cho việc lấy thông tin của các nhà báo khá khó khăn, đặc biệt là với những tờ báo ngày cần cập nhật thông tin một cách nhanh nhất thì không thể chờ đợi người phát ngôn chính thức để lấy thông tin.

Khi ấy buộc các nhà báo phải làm quen với khó khăn này và tìm những con đường khác để lấy tin. Nhiều khi phải yêu cầu, thậm chí gây áp lực để các cơ quan cử người phát ngôn thay thế, hoặc phải trao đổi lấy tin qua email, điện thoại…”.

Cần linh hoạt khi áp dụng

Từng là Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng lần IX và X, cũng là người phát ngôn chính thức ở hai kỳ Đại hội Đảng, PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - chia sẻ với những băn khoăn của phóng viên: "Theo như Quy chế, mỗi cơ quan đơn vị phải có một người phát ngôn, điều này là rất quan trọng.

Trước đây có tình hình là ở một đơn vị, một địa phương hay một cơ quan có vấn đề gì thì báo chí có thể tiếp xúc với bất cứ ai để lấy thông tin. Kết cục là các báo đăng tải những thông tin rất khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau vì những người cung cấp thông tin ở cương vị của họ sẽ nắm bắt thông tin khác nhau. Vì thế người được giao nhiệm vụ phát ngôn ngoài việc phải có trách nhiệm thông tin đến báo chí thì còn phải nắm được bản chất của vấn đề để thông tin chính xác.

Với những vấn đề không thuộc chuyên môn, hoặc chưa nắm rõ thì người phát ngôn phải yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ quan mình cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn với báo chí.

Khi được phân công làm Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng lần thứ X, ông Đào Duy Quát đã rất thành công khi tổ chức được cho mấy trăm phóng viên báo chí, trong đó có hơn 70 phóng viên báo nước ngoài, tiếp xúc với đại biểu tại Đại hội.

Ông nhớ lại: “Người phát ngôn như tôi thì chẳng nói được bao nhiêu trước nhu cầu thông tin khổng lồ của báo giới. Trong khi mỗi đồng chí đại biểu đều là những gương mặt tiêu biểu của các Đảng bộ về dự Đại hội. Nhận được tin anh em báo chí rất phấn khởi. 200 phóng viên tiếp xúc với 1.000 đại biểu trong giờ nghỉ giải lao đã mang lại rất nhiều thông tin tốt về Đảng".

Ông Quát nhấn mạnh: "Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là một văn bản giúp cụ thể hóa Luật Báo chí. Luật vẫn có những cái chung nên cần những văn bản để hướng dẫn việc thực hiện tốt hơn. Tôi nghĩ khi Quy chế được ban hành thì phóng viên sẽ có được nhiều thuận lợi hơn là những khó khăn trong quá trình tác nghiệp".

Quy chế này sẽ vừa đảm bảo cho nhà báo có được thông tin chính xác, vừa tránh được tình trạng những người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước "đùn đẩy" trách nhiệm thông tin. Việc người phát ngôn từ chối cung cấp thông tin trong phạm vi thẩm quyền của mình sẽ phải chịu trách nhiệm theo Điều 11 (vi phạm các quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí) của NĐ 56 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động VHTT