Chủ tịch FiFA Blatter tại Lễ khai mạc World Cup 2010. |
Sự sáng suốt của... Blatter
Còn nhớ vào năm 1998, chức Chủ tịch FIFA là cuộc tranh cử giữa 2 ứng viên sáng giá: S.Blatter - TTK FIFA và Johansson - Chủ tịch UEFA. Trong khi vị Chủ tịch già của UEFA nhận được sự ủng hộ của đa số những quốc gia châu Âu thì S.Blatter lại tìm cách lấy lòng các vùng xa hơn như châu Á, châu Phi.
“Miếng mồi” đưa ra là World Cup lần đầu tổ chức ở châu Á đã thành công mỹ mãn khi Hàn Quốc và Nhật Bản đăng cai World Cup 2002.
Kể từ khi lên giữ chức Chủ tịch FIFA, chủ đề mà ông Blatter luôn nhắc đi nhắc lại ở khắp nơi là châu Phi sẽ giành được quyền đăng cai World Cup.
Năm 2000, Nam Phi thua Đức đúng 1 phiếu trong cuộc bỏ phiếu của ủy viên thường vụ FIFA chọn đăng cai World Cup 2006.
Ngay sau đó, ông Blatter bày tỏ ý định đưa World Cup đến châu Phi bằng một tuyên bố: Các kỳ World Cup sẽ luân phiên tổ chức tại các châu lục bóng đá. Thực tế Nam Phi đã được chọn là nơi đăng cai World Cup 2010 sau khi loại Ma-rốc và Nigeria. RiêngBlatter tiếp tục ngồi trên chiếc ghế quyền lực nhất FIFA.
World Cup này lại trở thành canh bạc của Blatter. Nếu thành công, chắc chắn ông Blatter sẽ tiếp tục tại vị trong cuộc bầu cử của FIFA dự kiến tổ chức năm 2011. Ngược lại, nếu nó thất bại đồng nghĩa với việc triều đại của Blatter tại FIFA sẽ chấm dứt.
Dễ hiểu là tại sao Blatter lại chăm chút World Cup 2010 như thế. Năm 2004, các chuyên gia dự báo, số tiền mà Nam Phi phải bỏ ra để xây các sân vận động và cơ sở hạ tầng sẽ chỉ là 300 triệu USD, còn GDP của Nam Phi sẽ được tăng thêm 2,9 tỷ USD.
Nhưng hiện nay con số để xây chỉ riêng sân Soccer City đã là 440 triệu USD, còn tổng chi phí mà Nam Phi phải bỏ ra là gần 4 tỷ USD trong khi miếng bánh GDP chưa thể cân đo đong đếm được. Càng khó hơn khi Nam Phi tổ chức World Cup khi nền kinh tế vừa trải qua cơn bão khủng hoảng kinh tế- tài chính và dư chấn của nó vẫn còn. Bởi vậy con số 3 tỷ USD mà Nam Phi sẽ có được nhờ sự kiện World Cup là rất khó.
Vui chỉ được một vài trống canh?
Nhiều người VN đã và sẽ ví von rằng, Nam Phi đăng cai World Cup giống như việc một anh nhà nghèo cố gắng làm một đám cưới hoành tráng, sau đó là kéo cày trả nợ.
Thực tế Nam Phi đang có tỷ lệ người thất nghiệp chiếm 40% dân số. Con số ấy khẳng định Nam Phi là một trong những nền kinh tế yếu kém nhất từng tổ chức World Cup.
Nam Phi hy vọng sẽ tạo ra gần 200.000 việc làm nhờ World Cup, nhưng chắc chắn đó là những công việc ngắn hạn và chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào sự phát triển của Nam Phi.
Hiển nhiên, không thể nói rằng đăng cai World Cup không mang lại động lực gì cho Nam Phi cũng như cả Lục địa đen nhưng có vẻ như thu lợi nhiều nhất vẫn là FIFA chứ không phải là những người dân Nam Phi.
Vi Thành